Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Cảnh giác khi mua “đông trùng hạ thảo”





Sâu chít dùng làm giả đông trùng hạ thảo.







Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) - nói nôm na là mùa đông thì nó là côn trùng nhưng đến mùa hè, thì nó là cây cỏ. Theo "Bản Thảo Cương Mục" của Lý Thời Trân, viết vào đời nhà Minh - năm 1578 sau Công nguyên - được coi như "Bách khoa toàn thư về dược liệu Trung Quốc", đã đánh giá rất cao ĐTHT vì tác dụng điều trị nhiều loại bệnh tật, cũng như bảo vệ sức khỏe toàn diện cho con người.
Thời xưa ở Trung Quốc, ĐTHT chỉ dành riêng cho vua chúa, dân chúng không được phép sử dụng. Còn hiện tại, mua bao nhiêu cũng có nhưng mua đúng "thứ thiệt" thì… chưa chắc!
1. Ở TP HCM, đường Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học, Phùng Hưng…, quận 5,  là những con đường được mệnh danh là "phố thuốc Bắc". Trên những con “phố thuốc Bắc”, có hàng trăm cửa hàng chuyên bán các loại dược liệu dược phẩm nhập từ Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…, cùng với các dược liệu nuôi trồng trong nước. Thôi thì đủ cả: Hồng sâm, Bạch sâm, Hà xa đại táo, Hải mã, Địa sâm, Quế chi, Đỗ trọng, Thục địa, Hà thủ ô và dĩ nhiên là có cả ĐTHT.
Theo lương y Diệp Khiết, ở quận 11, TP HCM, gia đình đã có 4 đời làm nghề xem mạch bốc thuốc, thì: "ĐTHT chỉ sinh trưởng ở vùng cao nguyên Thanh Tạng Trung Quốc và ven rìa dãy núi Hymalaya, nơi cao hơn mặt nước biển từ 3.000 đến 5.000m, quanh năm tuyết phủ". Người Tạng gọi nó là yatsa gunbu - có nghĩa "mùa hè là cây, mùa đông là côn trùng"... Còn người Trung Quốc gọi nó là "đồng chong xia cão". Nó được phát hiện vào đầu thế kỷ XV bởi nông dân người Tạng vì họ thấy vào mùa xuân, khi những con bò ăn loại cây này, bỗng trở nên khỏe mạnh, ít bị bệnh tật và rất sung sức trong việc giao phối.
Năm 1878, một nhà vi khuẩn học người Anh tên là Miles Joseph Berkeley đã công bố nó trong một công trình nghiên cứu của mình. Từ đó, nó chính thức mang tên Ophiocordyceps sinensis hoặc Cordyceps sinensis.
Trước năm 1993, các nước phương Tây hầu như không biết gì về ĐTHT. Chỉ cho tới khi 3 nữ vận động viên Trung Quốc là Wang Junxia, Qu Junxia và Zhang Linli phá vỡ kỷ lục thế giới về môn chạy 1.500m, 3.000m và 10.000m tại Thế vận hội Olympic tổ chức ở Bắc Kinh thì nó mới gây ra sự nghi ngờ  nhưng các xét nghiệm kiểm tra doping sau đó cho thấy trong cơ thể của 3 nữ vận động viên không hề có những chất bị cấm.
Theo huấn luyện viên Ma Junren, 3 nữ vận động viên đã được cho sử dụng ĐTHT và… máu rùa - là những chất hoàn toàn do thiên nhiên tạo ra - không nằm trong vùng cấm thuốc kích thích, chẳng khác gì món "hồng sâm hầm thịt chó" mà nhiều vận động viên Hàn Quốc vẫn thường dùng để nâng cao thể lực!
Theo các khảo sát của y học phương Tây, ĐTHT có tác dụng bảo vệ tủy xương và hệ tiêu hóa của những người bị chiếu xạ (xạ trị chữa ung thư), bảo vệ gan trước những tác nhân virus, chống bệnh trầm cảm. Ngoài ra nó còn có tác dụng làm hạ đường huyết - nhất là với những người đề kháng với chất insulin - là chất do tuyến tụy tiết ra nhằm giúp cân bằng lượng đường trong máu và đặc biệt hơn cả là ĐTHT còn có khả năng tăng cường sức khỏe tình dục cho đàn ông nhưng lại không hề có phản ứng phụ như Viagra hay Cialis…
Khi tuyết tan, búi nấm ở đầu con trùng nhô lên như chồi cây.
2. Với những tác dụng như thế, ĐTHT có thể được xem như một loại "thần dược". Tuy nhiên, khi đi khảo sát tại một số điểm bán dược phẩm dược liệu ở đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, chúng tôi rất ngạc nhiên về giá bán của loại "thần dược" này. Tại một tiệm thuốc bắc nằm trên đường Phùng Hưng, bà chủ tiệm đưa cho chúng tôi xem một hộp ĐTHT, hình thức rất sang trọng, bắt mắt, nắp hộp làm bằng kính trong suốt, có thể nhìn thấy rõ những con ĐTHT nằm phơi xác trên tấm vải nhung đỏ tươi. Bà nói: "Loại này 100g, giá 2 triệu đồng" - nghĩa là 1kg giá 20 triệu (?!) nhưng vẫn còn có thể… trả giá!
Quan sát thật kỹ, tôi thấy những con ĐTHT có kích thước nhỏ như trái ớt hiểm, dài khoảng 5cm, phần thân màu vàng sậm, dài khoảng 3cm, phần đầu màu xám đen, dài 2cm, nhìn tựa như một con sâu có cái chồi cây trên đầu. Lương y Diệp Khiết cho biết: "Trên những dãy núi cao hơn 3.000m ở cao nguyên Thanh Tạng, có một loại bướm gọi là con "Ngài Dơi", tên khoa học là Thitarodes. Ấu trùng của Ngài Dơi chui sâu vào trong đất để ăn các mầm non của một loại cây họ nghệ (polygonum viviparum L.) rồi ngủ đông.
Một số ấu trùng bị nhiễm một loại nấm có tên khoa học là Cordyceps sinensis. Nấm phát triển mạnh ở phần đầu ấu trùng khiến chúng khó chịu nên chúng có khuynh hướng di chuyển lên phía trên, thường là đến gần mặt đất khoảng 1cm thì chúng chết trong lúc nấm vẫn tiếp tục sinh sôi thành dạng bó tơ. Đến đầu mùa hè, nhiệt độ tăng, bó tơ này bện chặt như một chồi cây con rồi khi lớp băng trên mặt đất tan chảy, nó nhú lên". Thoạt đầu lúc mới nhú lên, chồi cây có màu trắng ngà nhưng sau đó, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, nó xạm lại, chuyển thành màu đen xám.
Theo sự giới thiệu của lương y Diệp Khiết, tôi gặp anh Lý Bửu, nhà ở quận 11 TP HCM, một người chuyên mua bán ĐTHT. Suốt 5 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến đầu mùa hè là anh lại đi Trung Quốc rồi lên cao nguyên Thanh Tạng, lùng mua ĐTHT. Anh Bửu cho biết: "Tại Kathmandu, Nepal, loạt ĐTHT rẻ nhất cũng có giá 15 nghìn USD/kg (khoảng 315 triệu đồng tiền Việt)". Tôi hỏi: "Vậy tại sao ở phố thuốc bắc Phùng Hưng, họ bán 1kg chỉ có 20 triệu đồng?". Anh Bửu cười: "Đó là hàng giả".
Theo anh Bửu, tại Dolpa, thuộc Nepal, giáp biên giới với cao nguyên Thanh Tạng, là nơi chuyên nuôi trồng ĐTHT, hàng năm cung cấp cho thị trường thế giới khoảng 2 tấn ĐTHT, chiếm 80% (20% còn lại là của Tây Tạng), 1kg ĐTHT loại 1 đã sấy khô, có giá 30 nghìn USD. Khi đưa về đến Bắc Kinh, nó trở thành 60 nghìn USD. Luật pháp Nepal quy định xuất khẩu ĐTHT từ 1kg trở lên phải có giấy phép đặc biệt nên đã sinh ra buôn lậu và làm giả. Anh Bửu nói: "Mỗi chuyến đi, tôi chỉ mua khoảng 300 - 500 gam ĐHT đã sấy khô, mà mua theo đơn đặt hàng chứ không dám mua về rồi đợi lúc có ai cần thì bán lại vì nó rất đắt".
Mua bán đông trùng hạ thảo ở Nepal.
3. Làm giả ĐTHT có nhiều cách: Trước kia, sau khi trích ly hết những dược chất, người ta thường đổ bỏ xác ĐTHT. Thế là xuất hiện những đầu nậu chuyên thu gom loại xác này. Anh Bửu cho biết: "Hiểu rõ tâm lý người mua ĐTHT nhằm tăng cường khả năng tình dục nên những người làm giả đã bơm vào trong thân ĐTHT một số chất, chủ yếu là Viagra. Khi uống vào, chỉ chừng 30 phút sau là có tác dụng ngay nhưng quan trọng nhất là vấn đề tâm lý. Người uống tin rằng mình đang sử dụng thảo mộc chứ không phải thuốc Tây nên không có hại!".
Theo Y học Trung Quốc, ĐTHT là 1 trong "Tam bảo Trung Hoa", gồm nhân sâm, ĐTHT và nhung hươu. ĐTHT có 17 acid amin, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng và khoáng chất như Al, Si, K, Na.... Quan trọng hơn là nó nhiều hoạt chất sinh học như cordiceptic acid, cordycepin, adenosine, hydroxyethyl-adenosine và nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Ethyl-Adenosine-Analogs). Bên cạnh đó, nó còn chứa nhiều loại vitamin (trong 100g ĐTHT có 0,12 g vitamin B12; 29,19 mg vitamin A; 116,03 mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin B2, vitamin E, vitamin K...).
Sách Y học cổ truyền Trung Quốc coi ĐTHT là vị thuốc có tác dụng "Bổ phế ích can, bổ tinh điền tủy, chỉ huyết hóa đàm", "Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ", "Tư âm tráng dương, khư bệnh kiện thân", có thể chữa được "Bách hư bách tổn". Các nghiên cứu cổ truyền cũng như các thực nghiệm hiện đại đều xác định ĐTHT hầu như không có tác dụng phụ đối với cơ thể người và động vật.
Vẫn theo anh Bửu, ĐTHT lúc còn sống dài từ 3 - 5 cm, đường kính từ 0,3 - 0,8 cm. Bên ngoài có màu vàng sẫm hoặc nâu vàng. Phần đầu có màu nâu đỏ, đuôi giống như đuôi con tằm, thân có 8 đôi chân nhưng 4 đôi chân ở giữa nhìn rõ nhất. Búi nấm hình que cong mọc ra từ đầu, có màu trắng ngà hoặc xám trắng. Sau khi sấy khô, nó chuyển thành màu nâu đen. Lúc còn sống, nếu bẻ con trùng ra sẽ thấy bên trong ruột là chất dịch nhầy màu trắng đục.
Để làm giả, người ta dùng thân hoặc củ của cây "địa tàm" tạo hình con trùng, dùng "thảo thạch" tạo hình búi nấm. Tuy nhiên, đầu trùng và búi nấm của ĐTHT thật liền lạc với nhau một cách tự nhiên, còn đồ giả nếu quan sát kỹ, sẽ thấy vết nối. Mặt khác, các nếp gấp trên thân ĐTHT giả giao nhau rất bằng phẳng mà lý do là đổ từ khuôn ra.
Anh Bửu nói: "Bên cạnh đó, họ còn dùng bột ngô, bột lúa mạch hay thạch cao để làm giả bằng cách gia công ép màng nên hình dạng con trùng bên ngoài có màu trắng ngà, nhẵn bóng, rõ các vằn khía, mặt cắt có màu trắng nhạt, khi nhai lâu có vị ngọt và dính răng. Cầm lên thấy nặng trong lúc ĐTHT thật nhẹ như bông".
Tinh vi hơn, người ta còn dùng con sâu chít (là loại sâu thân nhộng sống trong cây chít - thường dùng ngâm rượu chữa chứng đau lưng, thận hư) để làm giả ĐTHT với đủ cả thân và sợi nấm mọc trên đỉnh đầu. Tuy nhiên, khi sấy khô, sâu chít vẫn to gần gấp đôi ĐTHT thật. Nếu người mua thắc mắc, sẽ được giải thích rằng: "Đây là hàng thật, hàng cao cấp loại 1". Anh Bửu nói: "Cách phân biệt dễ nhất là khi mở hộp đựng ĐTHT, ta sẽ ngửi thấy mùi rất nồng, giống mùi nấm rơm và mùi tanh của nấm hương. ĐTHT giả không có mùi này. Nếu có, thì đó là mùi tanh của cá, hoặc mùi rất gắt của nguyên liệu hóa học".
Với công nghệ làm giả bằng những hình thức như thế, ĐTHT giả khi uống vào hầu như sẽ chẳng có một tác hại gì nếu cây "địa tàm", "thảo thạch", bột ngô, bột lúa mạch hoặc con sâu chít không bị mốc hay nhiễm những loại nấm nguy hiểm. Nhưng về tính năng chữa bệnh, bổ dưỡng thì ĐTHT giả chỉ là con số 0. Theo lương y Diệp Khiết: "Nếu cần điều trị một bệnh nào đó hoặc cần phải tẩm bổ, thì nhiều loại dược phẩm, dược liệu - cả của Đông y lẫn Tây y - có tính năng ngang bằng, lắm khi vượt trội hơn ĐTHT. Vì vậy, cần cân nhắc cẩn thận trước khi mua. Nếu mua, nên tìm hiểu kỹ cách phân biệt giữa ĐTHT giả và thật…"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét