Sonya Pekova là một nhà di truyền học phân tử và virus học người Séc, đứng đầu phòng thí nghiệm tư nhân Tilia Laboratory, đã chẩn đoán một trong những trường hợp corona virus đầu tiên ở Séc. Hơn thế, cô đã phát hiện ra bệnh ở những người không về từ các “quốc gia có nguy cơ” và không tiếp xúc với người trở về từ đó. Phát hiện này đã buộc chính phủ Séc thay đổi chính sách xét nghiệm và bắt đầu xét nghiệm tại các lab của nhà nước không chỉ những người đến từ các quốc gia có lượng lớn bệnh nhân và những người tiếp xúc gần. Có lẽ vì thế, dịch bệnh ở Cộng hòa Séc hiện đang phát triển chậm hơn so với hầu hết các quốc gia khác.
Vào giữa tháng 3, Sonya Pekova đã phát triển một phương pháp (protocol) xét nghiệm mới, theo cô là chính xác hơn và rẻ hơn, cho SARS-CoV-2 và cung cấp miễn phí cho tất cả các tổ chức y tế quan tâm. Nó đã được Viện Hàn lâm Khoa học Séc và nhiều lab trên thế giới sử dụng.
Chủ nhật 29/3, phóng viên Radio Svoboda đã phỏng vấn Sonya Pekova. Hôm thứ Hai, trong khi văn bản cuộc trò chuyện vẫn còn ở tòa soạn, trên một số trang web liên quan tới bộ máy tuyên truyền của Nga đã xuất hiện thông tin rằng Pekova, trong cuộc trò chuyện với kênh truyền hình Slovak TA3, đã tuyên bố SARS-CoV-2 được phát minh trong phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng che giấu điều này bằng cách buộc các nhà khoa học Mỹ nói dối về virus. Trong video cuộc trò chuyện mà các trang web này trỏ đến, Pekova không hề nói gì như vậy.
Chúng tôi đã phải hoãn việc đăng bài và liên lạc lại với Pekova để làm rõ tình hình. Đây là câu trả lời của cô:
“Tôi không bao giờ, trong mọi trường hợp và vì bất kỳ lý do gì, đã nói hay viết rằng nguồn gốc và sự lây lan của virus có liên hệ gì đó, dù là nhỏ nhất, đến Hoa Kỳ. Tôi cũng chưa hề nói ở bất cứ đâu rằng Hoa Kỳ đã cố gắng che giấu, kiểm duyệt hoặc thông tin sai lệch dữ liệu về loại virus này, bằng bất kỳ cách nào. Tôi không hề đề cập đến mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và virus SARS-CoV-2.”
Tuy nhiên, theo Pekova, không thể loại trừ virus này có nguồn gốc nhân tạo. Về lý do tại sao virus này không giống như các loại corona virus khác, kỹ thuật xét nghiệm của nó khác với các loại khác như thế nào, chúng ta có thể sống như thế nào trong đại dịch, hãy đọc trong bài phỏng vấn của cô với phóng viên Radio Svoboda.
Có những loại xét nghiệm corona virus nào, và chúng khác nhau thế nào?
Có hai loại xét nghiệm, khác nhau về bản chất. Thứ nhất là PCR (polymerase chain reaction), dựa trên sự phát hiện trực tiếp RNA của virus, và đây chính là loại cần được sử dụng trong việc xét nghiệm toàn dân để tìm ra người mang virus và ngăn chặn dịch. Loại xét nghiệm thứ hai dựa trên việc tìm kiếm kháng thể với virus, nó được sử dụng khi một người đã hồi phục hoặc ít nhất khi bệnh đã bắt đầu.
Bây giờ thường xuyên có tin tức về các xét nghiệm mới cho thấy kết quả trong 5 phút, 20 phút, nửa giờ. Đó là những xét nghiệm kháng thể?
Đấy là những xét nghiệm được gọi là express test, và chúng dựa trên việc tìm kiếm kháng thể. Thật không may, chúng không phù hợp để chẩn đoán bệnh nhân không có triệu chứng và những người mới nhiễm gần đây vì cơ thể chưa phát triển kháng thể đối với virus. Express test có thể âm tính giả cho đến khi kháng thể xuất hiện trong cơ thể. Hiệu quả của nó cũng phụ thuộc vào trạng thái của hệ thống miễn dịch của con người và cách nó đối phó với việc sản xuất kháng thể. Nếu bệnh nhân đã trải qua một số hình thức trị liệu miễn dịch hoặc đơn giản là suy yếu khả năng miễn dịch, thì xét nghiệm có thể không hiệu quả. Xét nghiệm nhanh có thể là một cách rẻ và tốt để phát hiện nhiễm bệnh, nhưng chúng đo lường phản ứng của cơ thể khi đã phát bệnh, nên không phù hợp cho chẩn đoán sớm và chẩn đoán những người không phát bệnh nhưng lại mang mầm bệnh.
Có thể sử dụng xét nghiệm nhanh khoảng bao lâu từ lúc nhiễm?
Cửa sổ huyết thanh học (thời gian từ khi nhiễm virus đến khi xuất hiện kháng thể) có thể kéo dài khác nhau, và đối với loại virus này ta vẫn chưa biết chắc chắn. Hơn nữa, nó phụ thuộc vào trạng thái miễn dịch của một người cụ thể. Vì vậy, khoảng thời gian mà các xét nghiệm nhanh không cho thấy bất cứ điều gì có thể kéo dài 2 hoặc thậm chí 3 tuần. Cũng có khi một tuần. Nhưng trong mọi trường hợp, đây không phải là giờ, mà là ngày hay tuần.
Lab của chị sử dụng xét nghiệm kháng thể hay PCR?
Chúng tôi sử dụng PCR, xét nghiệm dựa trên bằng chứng về sự hiện diện của RNA virus trong vật liệu sinh học.
Chị cần bao lâu để cho ra kết quả?
Khoảng 4-5 giờ cho một bệnh nhân. Bài xét nghiệm được chia thành vài giai đoạn. Nhưng khi phải xử lý 100 xét nghiệm cùng lúc thì sẽ mất nhiều thời gian hơn, và chúng tôi trả kết quả vào hôm sau.
Phương pháp mà chị phát minh ra cho kết quả nhanh hơn so với PCR tiêu chuẩn?
Không, vì nó dựa trên phương pháp chuẩn nên không khác biệt về thời gian. Nhưng nó chính xác hơn và đòi hỏi ít thuốc thử hơn cũng như tải ít thiết bị hơn. Theo phương pháp của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), để xác định virus, bạn cần tìm ba đoạn mã khác nhau. Chúng tôi đã thiết kế lại phương pháp, bây giờ nó nhắm vào một phần khác của mã virus, và chỉ cần tìm một phân đoạn để nhận dạng. Vì vậy, thay vì ba ống giờ chỉ cần một, thay vì ba vị trí trong máy phân tích, một là đủ và thay vì ba liều thuốc thử, chỉ cần một. Tôi tiết kiệm thuốc thử, các chỗ trong máy phân tích và do đó tôi có thể xử lý nhiều xét nghiệm hơn cùng một lúc. Tức là, tôi có thể nhét vào máy phân tích mẫu xét nghiệm của số bệnh nhân nhiều gấp ba lần so với trước đây.
Chị nghĩ gì về pooling (gộp chung phân tích các xét nghiệm từ nhiều người cùng lúc), ví dụ cách được khuyến nghị bởi các bác sĩ Israel?
Pooling là một phương pháp tuyệt vời được sử dụng rộng rãi trong y học. Nó được sử dụng, ví dụ, trong truyền máu, nơi máu dùng để truyền được xét nghiệm cho các loại virus khác nhau, vì vậy đây hoàn toàn không phải là một phương pháp mới. Chúng tôi sử dụng nó, chúng tôi đồng thời kiểm tra mẫu cho tối đa 10 bệnh nhân. Khi bắt đầu dịch, khi nhiều xét nghiệm âm tính, nó sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và thuốc thử. Vì vậy, tôi nhiệt liệt khuyên tất cả các phòng thí nghiệm thực hiện pooling, bởi vì một phần của các nhóm này sẽ âm tính và có thể loại trừ ngay lập tức tất cả các bệnh nhân trong các pool này, và chỉ xét lại bệnh nhân của những pool có kết quả dương tính.
Tại sao chị chọn xét nghiệm một đoạn mã gen khác với CDC? Đoạn mã này có gì lạ và tại sao nó quan trọng?
Rõ ràng, virus SARS-CoV-2 có khả năng đột biến rất lớn. Điều này được thể hiện qua các trường hợp được xác nhận tái nhiễm của những người đã bị bệnh. Với một đột biến, các phần của bộ gen có thể thay đổi, chính ở đoạn mã mà xét nghiệm ban đầu nhằm vào. Xét nghiệm của chúng tôi là nhằm vào một phần không bị đột biến của bộ gen. Ít nhất, từ kinh nghiệm lâu năm mà chúng tôi có với các loại virus khác, chúng tôi chưa từng thấy phần virus này có thể thay đổi nhiều. Do đó, xác suất kết quả âm tính giả do thay đổi mã di truyền là ít hơn nhiều. Hy vọng rằng xét nghiệm của chúng tôi sẽ ổn định cho dù virus biến đổi như thế nào.
Việc virus này đột biến thường xuyên làm cho việc tạo ra một loại vắc-xin hiệu quả phức tạp hơn?
Thật không may, liên quan đến vắc-xin, đây thực sự là một tin xấu. Nó phụ thuộc vào việc những người phát triển vắc xin chọn epitope nào, nghĩa là protein nào của loại virus này, làm mục tiêu. Nhưng do cách thức virus thay đổi, nên có thể nói, áo choàng, vỏ ngoài, protein này có thể thay đổi, và vắc-xin sẽ hết hiệu lực. Cũng như điều xảy ra với bệnh cúm, khi chủng xuất hiện năm nay hơi khác so với chủng năm ngoái. Có vẻ như corona virus mới đột biến khá nhanh. Những gì hiện đang được phát triển có thể trở nên không hiệu quả sau một thời gian.
Vậy thì sẽ không có “miễn dịch cộng đồng”? Tôi có thể bị bệnh, hồi phục và bị bệnh trở lại?
Vâng, đúng vậy. Virus biến đổi và thay đổi “áo choàng” của nó. Có thể nói, nếu tôi bị nhiễm virus có áo khoác màu xanh và phục hồi vì tôi phát triển khả năng miễn dịch với nó, sau đó virus này đến với tôi trong một chiếc áo khoác màu đỏ, thì cơ thể tôi sẽ coi đó là loại virus khác và lại phải phát triển miễn dịch với nó. Rõ ràng, đây là một trong những đặc tính khó chịu nhất của virus này.
Khả năng biến đổi của virus này như thế nào so với bệnh cúm, cao hơn hay thấp hơn?
Chúng ta biết về nó còn quá ít, vì vậy tôi chưa thể trả lời câu hỏi này.
Virus này khác với các corona virus “thông thường” chỉ gây cảm lạnh như thế nào?
Tôi nghĩ, trước hết, bởi vùng điều hòa (vùng điều hòa: nằm ở đầu gen, mang tín hiệu khởi động và kiểm soát quá trình phiên mã ND) chưa được dịch mã. Nó chứa các chuỗi gen rất khác với các chuỗi trong vùng điều hòa của corona virus sống trên dơi, trong khi “thân” của virus các gen cấu trúc của nó thì giống như ở virus của dơi. Trong loại virus mới này ở người, vùng điều hòa dường như bị thay đổi một chút, điều này có thể liên quan khả năng sinh sản rất cao của nó mà chúng ta quan sát được. Vì sinh sản rất nhanh, nó rất dễ lây lan. Điều này cũng có thể liên quan với khả năng đột biến cao của nó những chủng mà chúng ta chưa từng thấy trước đây xuất hiện rất nhanh. Để phân chia và tạo ra virion (hạt virus), virus RNA cần một loại enzyme gọi là RNA polymerase phụ thuộc RNA, không có cơ chế kiểm tra lỗi: nó không chú ý đến việc tạo ra các bản sao không chính xác. Và virus nhân càng nhanh thì khả năng xảy ra lỗi trong các bản sao càng lớn. Vì thế, chúng ta thấy đột biến trong các gen cấu trúc. Tôi nghĩ rằng vùng điều hòa của corona virus này làm cho nó nhân lên rất nhanh, điều mà chúng ta không thấy với các corona virus thông thường. Có lẽ vì thế, virus này, không giống như các corona virus thông thường, không chỉ gây ra sự bất tiện cho chúng ta mà còn gây ra tác hại nghiêm trọng.
Vài tuần trước chị đã nói: Không loại trừ khả năng virus này có nguồn gốc nhân tạo. Các nhà khoa học Ấn Độ ngay từ đầu dịch bệnh đã nói điều tương tự. Nhưng vài ngày trước, các nhà khoa học Mỹ công bố một bài báo, trong đó tuyên bố loại trừ hoàn toàn nguồn gốc nhân tạo của virus này. Chị đã đọc bài viết này? Chị có thay đổi quan điểm?
Bài viết này đã được công bố trên tạp chí Nature Medicine rất uy tín. Chắc chắn là bài rất tốt và được viết cẩn thận. Tuy nhiên, nó chỉ nói về các gen cấu trúc của virus này và không đề cập một từ nào đến vùng điều hòa của nó. Nhân tiện, các nhà khoa học Ấn Độ đã tìm thấy các cấu trúc tương tự như cấu trúc của HIV, chính ở vùng cấu trúc của virus, thực tế có đúng vậy hay không thì tôi không dám nói. Nhưng, nói gì thì nói, bài báo trong Nature Medicine hoàn toàn không đề cập vùng điều hòa của corona virus này. Mà theo tôi cảm nhận, sự thay đổi trong mã gen của virus này nằm ở vùng điều hòa.
Vậy chị vẫn cho rằng virus này có thể có nguồn gốc nhân tạo?
Tôi cho rằng không thể loại trừ điều này. Nó cư xử rất khác thường. Có một số lượng virus hữu hạn lây nhiễm cho con người trên thế giới. Chúng ta thường có thể đoán theo các triệu chứng của bệnh mà virus gây ra. Tất nhiên, không phải 100%, nhưng chúng ta có thể nói: nếu các triệu chứng trông như thế này, thì đây rất có thể là một loại virus cúm, khi tiêu chảy là một loại virus khác, khi phát ban là chúng ta đang tìm virus herpes. Do đó, khi chúng ta biết rằng căn bệnh này do corona virus gây ra, nó sẽ có một liệu trình nhất định. Nhưng corona virus này có một hình ảnh hoàn toàn khác, nó giống như một loại bệnh mới.
Khi hình ảnh lâm sàng của một virus rất khác với các virus khác cùng loại, thì ít nhất là lạ. Về mã gen của nó tôi đã dành nhiều năm cho sinh học phân tử và di truyền học, đã tham gia vào việc nhân bản và sử dụng các phần khác nhau của virus cho kỹ thuật di truyền, đây là một kỹ thuật rất phổ biến. Khi tôi nhìn thấy chuỗi này (trong vùng điều hòa), ngay lập tức tôi cảm thấy nó không giống với tự nhiên. Nếu chỉ nói về các gen cấu trúc, tôi sẽ không nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với virus này. Nhưng bạn cần xem xét toàn bộ bộ gen, không loại trừ các phần khác khỏi nghiên cứu, và có lẽ ở đó ta sẽ tìm thấy câu trả lời. Nhưng đây chỉ là ý kiến của tôi, điều cần thiết là càng nhiều người phân tích virus này càng tốt. Xét nghiệm mà chúng tôi đề xuất chính là nhắm vào vùng điều hòa này. Hãy để những người tham gia xét nghiệm virus quan sát nó và nói những gì họ nghĩ về nó. (Về vấn đề này, xem bài: Virus COVID-19 mang đặc tính của robot nano sát thủ hoàn hảo)
Virus này hoạt động không giống như corona virus thông thường, và không như SARS?
Tất nhiên, nó giống SARS hơn là giống các corona virus thông thường, bởi vì các corona virus thông thường sẽ khiến bạn bị sổ mũi hoặc đau họng, và sau vài ngày bạn hồi phục. Virus này, SARS-CoV-2, hoàn toàn khác. SARS đã ở với chúng ta trong một năm và biến mất. Virus này, do tính đột biến lớn của nó, tôi sợ nó sẽ ở lại với chúng ta trong một thời gian dài.
Chúng ta sẽ làm gì? Những cách tốt nhất để đối phó với nó là gì?
Những người hiện đang phát triển vắc-xin có thể sẽ cố gắng làm cho vắc-xin chống lại càng nhiều càng tốt những biến thể đã biết của virus này. Nếu chúng ta có thể tiêm chủng rộng rãi cho dân chúng và diệt hầu hết các biến thể của nó, có lẽ chúng ta sẽ thắng. Nhưng nếu, như tôi nghĩ, vấn đề nằm ở vùng điều hòa, thì virus có thể bị đánh bại bằng cách phá hủy vùng này. Nếu ta vô hiệu hóa nó, virus sẽ chết. Vì vậy, có lẽ cuối cùng chúng ta sẽ phải dùng đến liệu pháp gen, một số loại vắc-xin DNA, hoặc một cái gì đó tương tự ở mức phân tử, không phải miễn dịch.
Đã có loại vắc-xin đó?
Cho đến nay, mới là thử nghiệm. Đây là một thứ hoàn toàn mới, nhưng có lẽ virus này sẽ thúc đẩy phát triển nhanh chóng của lĩnh vực y học này.
Chị nghĩ gì về giả thuyết rằng theo thời gian, do hậu quả của đột biến, virus này sẽ trở nên ít nguy hiểm hơn và cuối cùng, thậm chí có thể biến thành loại virus vô hại giống như những loại corona virus gây cảm lạnh và sổ mũi thông thường của chúng ta?
Nếu vậy thì tuyệt, nhưng vì nó có tiềm năng đột biến cao, một số đột biến có thể ít nguy hiểm hơn, nhưng ngược lại, số khác lại mạnh hơn. Có thể phát triển theo bất kỳ hướng nào. Tất nhiên, điều tôi muốn nhất là nó chết và biến mất.
Tôi thấy có giả thuyết rằng, vì chúng ta cách ly các trường hợp bệnh nặng, nên các virus gây ra chúng không thể lây lan thêm, chỉ còn những virus gây bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, là có thể lây lan.
Đúng, với các đột biến ít nguy hiểm hơn, cơ thể có thể cùng tồn tại, chúng sẽ vào nhóm các corona virus cúm thông thường và một số chủng sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi. Nhưng thật tuyệt nếu chúng ta thậm chí có thể đánh bại các chủng đó và virus này hoàn toàn biến mất.
Tại sao virus này hầu như không gây hại cho trẻ em?
Tôi có một giả thuyết về điều này. Không biết đúng hay không, nhưng có vẻ hợp lý với tôi. Có một hiện tượng trong virus học được gọi là loại trừ bội nhiễm. Khi một tế bào bị nhiễm virus của một nhóm nhất định và virus này tương đối vô hại đối với cơ thể, thì các virus nguy hiểm hơn từ cùng một nhóm không còn có thể xâm nhập vào tế bào này nữa. Virus đầu tiên đã xâm nhập vào đó “đóng cửa” tế bào và nói với những virus khác: “đã chiếm rồi, không được vào”. Do đó, nếu tế bào đã có bất kỳ loại corona virus gây cảm lạnh vô hại nào xâm nhập, mà trẻ em luôn có đầy chúng trong đường thở (chính vì thế trẻ em luôn sổ mũi), SARS-CoV-2 thậm chí sẽ không làm trầy xước tế bào đó, vì tế bào của chúng đã bị loại khác chiếm. Tôi nghĩ điều này có thể đúng, bởi vì không có trường hợp bệnh nặng nào ở trẻ nhỏ và không có trường hợp tử vong nào được mô tả. Mà trẻ em thì liên tục bị ốm, vì vậy khó mà bảo là do khả năng miễn dịch đặc biệt nào đó của bọn nhỏ. Hiện tượng loại trừ bội nhiễm này được mô tả, ví dụ, trong các arena virus gây bệnh thấp. Điều này rất hiếm, nhưng có lẽ chính là trong trường hợp này.
Có tin về em bé đầu tiên, chưa đầy 1 tuổi, đã chết mà có nhiễm corona virus. Ở Mỹ. Thật ra, vẫn chưa rõ liệu corona virus có liên quan gì đến cái chết của đứa trẻ này hay không, hay vì một lý do hoàn toàn khác?
Cần phải xem, nhưng ngay cả khi là do corona virus, thì đó sẽ là trường hợp đầu tiên, mặc dù thực tế là có một số lượng lớn trẻ em trên thế giới. Rõ ràng là trẻ em có cơ chế bảo vệ siêu hiệu quả, và đây chắc chắn không phải là khả năng miễn dịch, bởi vì khả năng miễn dịch của bọn nhỏ chỉ đang hình thành và chúng liên tục ốm.
Nhà dịch tễ học người Mỹ Ralph Beyrick đề xuất: có thể tất cả các corona virus, bao gồm cả cảm lạnh thông thường, có thể gây tử vong cho người lớn nếu lần đầu tiên họ bị nhiễm bệnh. Nhưng vì tất cả chúng ta đều mắc phải chúng từ thời thơ ấu, chúng ta phát triển khả năng miễn dịch và ở tuổi trưởng thành, căn bệnh này đã rất nhẹ. Chị nghĩ gì về điều này?
Có thể. Nhưng chúng ta biết rằng các virus sống trên màng nhầy và không xâm nhập vào máu, bao gồm các corona virus thông thường, làm viêm đường hô hấp trên hoặc ruột, cả ở người và động vật. Kháng thể đối với các virus này được tạo ra trong máu: số lượng tế bào lympho B tạo ra kháng thể tăng lên. Khi chúng ta đối phó với một loại virus sống trên màng nhầy, đây là những kháng thể IgA và khả năng miễn dịch niêm mạc này rất yếu. Theo tôi, ít có khả năng rằng tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cuộc gặp với corona virus của màng nhầy trong nhiều năm. Các corona virus thông thường không gây ra phản ứng miễn dịch thực sự mạnh mẽ, bởi vì, thứ nhất, chúng có khả năng miễn dịch kém, và thứ hai, chúng sống trên màng nhầy. Khi virus lây lan trong máu, các tế bào lympho B va chạm trực tiếp với nó. Còn trên màng nhầy, virus ở rất xa chúng. Do đó, chống lại các bệnh như vậy, chúng ta luôn cần tiêm phòng nhiều lần.
Chính phủ nên làm gì trong tình hình hiện tại?
Vì đây là một căn bệnh hoàn toàn mới mà thực tế chúng ta không biết gì, nên trước tiên chúng ta phải xét nghiệm để hiểu virus này xuất hiện ở đâu và lây lan như thế nào. Cần hiểu nó hoạt động thế nào. Tôi thấy có một tỷ lệ đáng kể những người có nồng độ virus rất cao ở đường hô hấp trên và không có bất kỳ triệu chứng nào. Đây là một tin tuyệt vời. Đối với nhiều người bây giờ, vì quá nhiều tin tiêu cực, corona virus dường như là một căn bệnh chết người. Đừng nghĩ như vậy, cần cho mọi người biết rằng nhiều người xét nghiệm dương tính dễ dàng chịu được sự nhiễm virus, và họ chỉ có các triệu chứng nhẹ của bệnh, hoặc thậm chí không có gì cả. Cần phải thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt, mọi thứ thay đổi rất nhanh ngay trước mắt chúng ta. Ví dụ, lúc đầu chúng tôi không cho rằng virus này có thể biến đổi, nhưng bây giờ chúng tôi thấy rằng nó có thể. Chúng tôi luôn học được điều gì đó mới mẻ về nó. Đối với tôi, điều quan trọng là chính phủ Séc đã cho phép tối đa các lab xét nghiệm corona virus. Lúc đầu, có rất ít phòng lab, và nếu cứ vậy, thì sẽ là một sai lầm lớn. Cảm ơn chính phủ đã cho phép chúng tôi kiểm tra và thu thập dữ liệu, bởi vì dữ liệu này cực kỳ quan trọng.
Kiểm dịch (quarantine) là đúng hay thừa, như một số người nói?
Kiểm dịch, tất nhiên, không phải là thừa. Nó giúp hạn chế sự lây lan của virus trong dân chúng. Nhưng nó cần song hành với khả năng xét nghiệm hiệu quả để chúng ta không bỏ sót những người không có triệu chứng, nhưng lại lan truyền virus. Lúc đầu, kiểm dịch chỉ bao gồm cách ly bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng: khó thở, đau ngực, sốt và những người mà họ giao tiếp. Nhưng hóa ra một số người không có triệu chứng nhiễm virus, vì vậy bạn phải cách ly cho tất cả. Kiểm dịch là một trong những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất hiện có. Cô lập ổ lây lan virus là cơ hội tốt nhất để đánh bại nó. Thật tuyệt vời khi các biện pháp kiểm dịch được đưa ra, nhưng dần dần chúng cần được thay đổi và làm nhẹ bớt. Ví dụ, việc cách ly những người không bị nhiễm là vô nghĩa, nhưng họ chỉ có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm. Như người đứng đầu WHO nói, xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Không có cách nào khác. Để có thể cho phép những người khỏe mạnh đi làm, bởi vì nhà nước không thể tồn tại lâu nếu mọi người ngồi nhà và không làm việc.
Người bình thường nên cư xử thế nào? Họ có cần đeo khẩu trang? Đeo găng tay?
Tất nhiên cần đeo khẩu trang, ít ra là ra vì quan tâm đến người khác. Khi ta nói, những giọt nhỏ bay ra khỏi miệng, và nếu ta bị nhiễm, thì mỗi giọt như vậy chứa nhiều virus. Khẩu trang giúp chặn ít nhất là những giọt lớn. Khi tiếp xúc cá nhân, một chiếc khẩu trang là hoàn toàn cần thiết để một người không vô tình lây nhiễm cho những người mà mình giao tiếp. Còn khẩu trang phòng độc (respirator) thì nên được trang bị cho những người rủi ro cao: bác sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát, những người làm việc trong siêu thị, quầy thanh toán những người mà xã hội không thể hoạt động nếu thiếu họ. Họ nên có phương tiện bảo vệ tốt hơn. Nhưng người bình thường không nên ra ngoài mà không đeo khẩu trang, để không khiến người khác gặp nguy hiểm.
Khăn tay, khăn quàng các loại có phù hợp thay cho khẩu trang?
Cũng hơn so với không có gì. Bất cứ thứ gì giúp chặn ngay cả những giọt lớn nhất bay ra khỏi miệng chúng ta khi nói chuyện đều tốt.
Nên làm gì khi ta cần chạm vào một cái gì đó ở nơi công cộng? Nút thang máy, tay nắm cửa, gì đó trong cửa hàng?
Như bình thường thôi. Chỉ có điều đừng sờ tay vào những thứ như, ví dụ, bánh mì trần. Và khi về nhà, rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc chất khử trùng và sẽ ổn. Không cần phải hoảng sợ và quá lo.
Người ta bảo mọi người liên tục chạm vào mặt: mũi, môi… Có nguy hiểm không, nếu một người chạm vào gì đó trên đường, và sau đó xoa mũi bằng cùng một bàn tay?
Chạm vào mặt là một thói quen xấu phổ biến. Bạn cần phải dùng ý chí để giữ tay gần thân thể và không chạm vào mặt, bởi vì miệng, mũi và mắt là cổng cho virus. Một số người, ví dụ, liên tục chạm tay vào mặt khi đọc. Đừng chạm!
Có lời khuyên nên dùng một tay để chạm vào đồ vật trên đường phố hoặc cửa hàng, và tay kia để gãi nơi ngứa. Có nên không, hay quá đáng?
(Cười) Đừng chạm vào mặt. Nếu bạn thực sự muốn gãi, hãy gãi bằng tay áo. Bạn cần phải có ý thức và giảm thiểu việc sờ tay vào bản thân và người khác. Ít nhất là cho đến khi bạn rửa tay.
Chị có ý kiến gì về cuộc tranh luận có nên uống các loại thuốc chống viêm không steroid kiểu ibuprofen hay aspirin mà dường như ức chế miễn dịch? Và ngược lại, về việc dùng thuốc kích thích miễn dịch?
Tôi là “chuột trong phòng lab”, không phải bác sĩ lâm sàng, vì vậy tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhưng ta biết rằng những người chết vì căn bệnh này được phát hiện xơ phổi. Đây là hậu quả của phản ứng miễn dịch quá mức đối với mầm bệnh, khi cơ thể cố gắng sửa chữa phổi và kết quả là mô mỏng phục vụ trao đổi oxy với máu trở nên dày đặc và không thấm nước, sau đó phổi không thể làm việc nữa và do đó, tim bắt đầu có vấn đề. Do đó, một số điều hòa miễn dịch nhỏ, thận trọng có thể phù hợp. Nhưng chúng ta có rất ít kinh nghiệm với căn bệnh này. Chúng ta cần liên tục thu thập thông tin, ta vẫn chưa biết cái gì giúp chữa bệnh và cái gì không. Nhưng trong mọi trường hợp, tôi không phải là một chuyên gia trong chuyện này và không thể đưa ra khuyến nghị. Chuyên môn của tôi là phân tử, còn đây là một câu hỏi cho các nhà miễn dịch học.
Và chị nghĩ gì về giả thuyết rằng quy mô và tốc độ của dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau phụ thuộc vào việc có tiêm đại trà vắc-xin BCG chống lại bệnh lao?
Trực khuẩn Koch là một mầm bệnh nội bào, và do đó, miễn dịch tế bào là cần thiết để đánh bại nó. Vì vậy, điều này không nhất thiết là nói phét. Nhưng bây giờ có nhiều giả thuyết tương tự, tôi chưa nghiên cứu tất cả chúng, và tôi không có ý kiến hợp lý nào về chủ đề này.
Theo chị, hiện nay số người bị nhiễm ở Cộng hòa Séc cao hơn mấy lần so với số liệu thống kê chính thức?
Lab của chúng tôi chủ yếu tham gia xét nghiệm những người không có chỉ định trực tiếp để xét nghiệm: sốt cao, ho, v.v., mặc dù chúng tôi cũng giúp bệnh viện xét nghiệm bệnh nhân có triệu chứng. Theo dữ liệu của chúng tôi, trong số những người tiếp xúc với chúng tôi mà không có bất kỳ triệu chứng nào, 5% bị nhiễm. Dữ liệu chính thức được công bố trước khi bắt đầu xét nghiệm hàng loạt có lẽ là thấp, vì chỉ những người có triệu chứng mới được xét nghiệm. Vì vậy, số thực sẽ cao hơn. Tôi sẽ thêm khoảng 5% vào con số chính thức.
Nghĩa là, chỉ nhiều hơn một số phần trăm, chứ không phải 10 lần?
Không, tôi không nghĩ 10 lần.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh có phụ thuộc vào cách người ta bị nhiễm không: do các giọt trong không khí, qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc?
Virus này được truyền chủ yếu bởi các giọt trong không khí, vì vậy nó phụ thuộc chủ yếu vào mức độ lây nhiễm của người bị bệnh. Nếu đã có rất nhiều virus trong cơ thể anh ta, thì anh ta sẽ truyền nhiều hơn cho bạn thông qua các giọt. Nhưng nếu có người bệnh xỉ mũi vào khăn tay, họ vẫn có giọt bắn trên tay, anh ta cầm tay nắm cửa, sau đó bạn nắm lấy nó và gãi mũi bằng tay thì đây cũng là một cách rất hiệu quả để bị nhiễm.
Có thể mong đợi dịch bệnh sẽ suy thoái vào mùa hè khi trời ấm hơn?
Tôi không biết. Dịch đã ảnh hưởng đến các quốc gia có khí hậu nóng, bạn cần xem nó sẽ phát triển như thế nào ở đó. Về nguyên tắc, nhiễm trùng đường hô hấp thực sự chịu sự biến động theo mùa và sẽ rất tuyệt nếu dịch bệnh giảm vào mùa hè, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta gặp phải loại virus này và chúng ta chưa biết nó sẽ hành xử như thế nào.
Theo chị, dịch có thể kéo dài bao lâu? Chúng ta nên chuẩn bị gì?
Dịch của bệnh hô hấp không kéo dài nhiều tuần, mà là nhiều tháng. Thông thường là 2-3 tháng. Nếu virus này đột biến mạnh, nó sẽ tồn tại lâu hơn. Chúng ta sẽ thấy.
Vậy là, đến tháng 5 này chắc chắn chưa kết thúc?
Nếu tôi là một thầy bói với một quả cầu pha lê, tôi sẽ trả lời bạn chính xác. Có thể vào tháng Năm nó sẽ tiếp tục và kết thúc vào mùa hè. Hoặc có thể virus này sẽ luôn ở bên ta từ giờ.
Chị có muốn nói điều gì với độc giả?
Chắc chắn là muốn. Mặc dù virus biến đổi và đây không phải là tin tốt nhất cho chúng ta, tôi muốn nói với tất cả độc giả rằng corona virus hoàn toàn không phải là bản án tử hình. Hầu hết những người bị nhiễm virus này chịu đựng khá bình thường. Nhiều người thậm chí sẽ không biết rằng họ có nó, nếu không xét nghiệm. Dường như với tôi, quan trọng hơn cả là mọi người bình tĩnh nhất có thể, không lo lắng và không tất bật. Làm theo các quy tắc kiểm dịch, đeo khẩu trang để không vô tình lây nhiễm cho người khác và cố gắng sống một cuộc sống bình thường nhất có thể bây giờ. Chúng ta cần phải chờ đợi, không có lựa chọn khác. Duy trì sự lạc quan, óc hài hước, và, tôi hy vọng, vào mùa hè, chúng ta sẽ thoát khỏi dịch này, và nó sẽ chỉ còn lại trong ký ức và sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tôi ước điều này cho tất cả mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét