Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Chết chìm với thông tin 'nguy cơ'


Con người ngày nay thật khổ. Sáng mở mắt dậy, lướt qua thông tin trên các mặt báo là đối mặt với đủ thứ nguy cơ như ngộ độc do ăn uống, tử vong sau chích ngừa, thương tật vì giao thông...
Chưa kịp tiếp xúc với nguy cơ đã có nguy cơ đổ bệnh do thông tin đem lại.
Con số và nguy cơ
Nhằm kêu gọi người dân đi tầm soát ung thư đại tràng, trung tâm ung thư Memorial Sloan-Kettering, Mỹ đăng một thông báo trên New York Times về tác hại của ung thư đại tràng kèm con số 150.000 người Mỹ mắc mỗi năm. 
Thật kinh hoàng! Nhưng nếu biết dân số Mỹ là 300 triệu thì tỷ lệ mắc này chỉ là 5/10.000. Như thế, mỗi người Mỹ chỉ có 0,0005 nguy cơ ung thư đại tràng, thua xa so bệnh tim mạch 0,0033 (1 triệu người Mỹ mắc mỗi năm). Vậy trước nhất nên kêu gọi đi tầm soát bệnh tim mạch!
Các nhà nghiên cứu thấy rằng nhận thức về sợ hãi của con người rất phức tạp và bị tác động bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn con người thường đánh giá nguy cơ qua tính đột ngột của biến cố hơn là tính thường quy. 
Một trẻ tử vong sau chích vắcxin (dù chưa xác định chính xác do vắcxin) vẫn khiến các phụ huynh lo lắng cực độ, nhưng họ không biết rằng mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 30 trẻ tử vong không rõ nguyên nhân. Một ca rõ ràng ít hơn nhiều so với 30 ca. Thi thoảng mới có một ca tai biến sau chích vắcxin, trong khi ngày nào cũng có 30 ca tử vong, nhưng nếu hỏi ra, có lẽ ai cũng sợ tử vong sau chích ngừa!
Những nguy cơ do hành vi của mình tạo ra, dù hậu quả nhiều hơn, vẫn không làm con người sợ hãi bằng nguy cơ đến từ bên ngoài. Ung thư não do xài điện thoại di động chưa có gì rõ ràng, thế nhưng khi nghe chuyện không ít người hốt hoảng. Trớ trêu thay, trong số họ có người hút thuốc, uống rượu, họ không từ bỏ những nguy cơ này dù y học xác nhận chắc chắn chúng có thể dẫn đến bệnh tật, tử vong!
Truyền thông có lỗi
Trong cuốn Báo chí y tế: Phơi bày sự thật, hư cấu, lừa gạt (Medical journalism: Exposing fact, fiction, fraud), bác sĩ Ragnar Levi cho rằng nhận thức nguy cơ của con người thường bị tác động bởi giới truyền thông, thế nhưng giới này lại chưa hiểu thấu đáo về nguy cơ. Ông nói: “Nguy cơ làm con người tử vong và bệnh tật nhiều nhất lại thường được báo chí đánh giá thấp hơn những nguy cơ gây ra sự cố thê thảm”.
Năm 2008, thông tin ba trẻ tử vong và 30 trẻ nhập viện do dùng sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc khiến báo chí Việt Nam lên cơn sốt, vì trong nước cũng có loại sữa nhiễm chất này. Hơn một tháng thông tin rầm rộ, chẳng có trẻ em Việt nào có vấn đề với sữa nhiễm melamine nhưng xã hội đã một phen lao đao, tiêu thụ sữa đình đốn, nông dân nuôi bò thiệt hại vì người dân tẩy chay sữa. 
Ai biết được rằng cũng trong năm đó cả nước có 4,1 triệu nam giới và 2,7 triệu nữ giới tử vong sớm do gánh nặng bệnh tật, trong đó 24% do bệnh tim mạch, 21% do bệnh ung thư, 17% do chấn thương không chủ định (nguồn: Gánh nặng bệnh tật và chấn thương ở Việt Nam 2008, NXB Y học Hà Nội 2011).
Thông tin trẻ tử vong sau tiêm vắcxin cũng là một bài học khác của truyền thông. Trong hàng chục ca trẻ em có vấn đề sau chích ngừa trong hai năm qua, ít có ca nào được xác định có liên quan trực tiếp với vắcxin, nhưng cách thông tin của báo chí lại ít nhiều làm các bậc phụ huynh hoang mang, không cho trẻ đi chích ngừa, dẫn đến dịch sởi bùng phát như hiện nay.
Bình luận chuyện này, TS Nguyễn Đức An, giảng viên cao cấp ngành báo chí trường Truyền thông, đại học Bournemouth (Anh), cho rằng báo chí đã thông tin theo hướng định kiến với vắcxin. Ông nói: “Mặc dù bài báo nào cũng có phát biểu của nhà khoa học này hay quan chức kia, nhưng cuối cùng mọi bài báo đều giả định rằng vắcxin là thủ phạm. Là một nhà báo, anh phải điều tra, xác minh sự thật chứ không thể đặt niềm tin cá nhân của mình lên trên sự thật. Trẻ tử vong sau tiêm vắcxin có thể do những nguyên nhân khác ngoài vắcxin như sốc phản vệ, bệnh lý có sẵn, quy trình sai của nhân viên y tế và thậm chí không rõ nguyên nhân”.          
Phan Sơn
Chú thích ảnh: Tiêu huỷ sữa nhiễm melamine tại Trung Quốc năm 2008. (Ảnh: TL)
TS Nguyễn Đức An: “Giới truyền thông cần hiểu đúng về nguy cơ”
“Thông tin nguy cơ sức khoẻ dồn dập hoặc thiếu chính xác trên báo chí sẽ dẫn đến hai phản ứng trên công chúng: hoặc người dân tẩy chay các sản phẩm mà báo chí quy trách nhiệm (không chích vắcxin) rồi dẫn đến hậu quả tai hại (bùng phát dịch sởi), hoặc người dân tê liệt cảm xúc, tỏ thái độ bất cần (“bây giờ ăn cái gì cũng độc, thôi thì cứ ăn đại cho xong, sống chết có số!”). Tôi không nghĩ mọi tờ báo ở Việt Nam cố tình giật gân, thê thảm hoá vấn đề để câu bạn đọc, nhưng vấn đề chính hiện nay là dường như họ chưa hiểu biết đầy đủ về nguy cơ. Nếu hiếu biết đủ, họ sẽ bớt thông tin dựa trên định kiến và giả định, từ đó cung cấp cho người đọc thông tin chính xác hơn”.











































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét