- Một di sản bất hủ mà ông tổ của nền y học hiện đại để lại
cho hậu thế chính là một lời thề, được coi như một bản tuyên ngôn về y đức dành
cho những người làm thầy thuốc.
Sinh ra trên đảo Aegean, Hy Lạp, khoảng giữa thế kỷ thứ 5
TCN, Hippocrates được coi là bác sĩ thực thụ đầu tiên, ông tổ của nền y học hiện
đại.
Ở thời đại này, y học vẫn gắn liền với tôn giáo và bệnh tật
thường được chữa trị bằng những hiện tượng siêu nhiên thần bí. Hippocrates đã
bác bỏ những quan niệm này và trở thành người đầu tiên xem y học là ngành khoa
học.
Các nhà sử học tin rằng Hippocrates đi khắp lục địa Hy Lạp
và có thể cả Libya cùng Ai Cập để hành nghề y. Ông thành lập trường y, cùng với
các môn đồ của mình đưa ra phương pháp khoa học để khám và điều trị cho người bệnh.
Theo quan điểm của Hippocrates, người thầy thuốc phải trực
tiếp khám cho người bệnh và tìm ra bệnh qua các triệu chứng biểu hiện, phải bốc
thuốc kê đơn sau đó theo dõi để xem việc điều trị có kết quả hay không.
Trong các trang sách của mình, ông một sự hiểu biết thô sơ –
nếu so với hiểu biết y khoa ngày này - về cách cơ thể hoạt động và bản chất của
bệnh tật. Rất nhiều điều trong bộ sách của ông vẫn đúng cho đến ngày nay.
Ví dụ, ông cho rằng “chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện
thể chất là một phương thuốc hữu hiệu cho hầu hết các bệnh” và chỉ ra cách định
vị khớp, tầm quan trọng của việc lưu giữ hồ sơ về lịch sử và cách điều trị, mối
quan hệ giữa thời tiết và một số bệnh tật...
Một di sản bất hủ ông để lại cho hậu thế chính là lời thề
Hippocrates, được coi như một bản tuyên ngôn về y đức dành cho những người làm
thầy thuốc.
Một số nguyên lý cơ bản của lời thề bao gồm thực hành y học
với khả năng tốt nhất của một người, chia sẻ kiến thức với các bác sĩ khác,
thái độ thông cảm, từ bi, tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân và giúp ngăn
ngừa bệnh tật bất cứ khi nào có thể.
Ngày nay, tại nhiều trường y khoa trên thế giới, lời thề
Hippocrates vẫn được các sinh viên đọc lên trong nghi thức tuyên thệ bắt đầu sự
nghiệp bác sĩ của mình.
Lời thề Hippocrates
Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải
đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Lời thề này được
các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp.
Người ta cho rằng Hippocrates (được coi là cha đẻ của Y học
phương Tây) hoặc một đệ tử của ông chính là tác giả của lời thề này.[1] Nó được
viết bằng tiếng vùng Ionia của Hy Lạp cổ đại (cuối thế kỷ thứ 5 trước Công
nguyên).[2] Học giả cổ điển Ludwig Edelstein đã cho rằng các lời tuyên thệ này
được viết bởi các môn sinh phái Pythagore, tuy nhiên thuyết này đã bị nghi ngờ
do thiếu bằng chứng xác thực.[3]
Lời thề gốc:
Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius
thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả
các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề
và lời cam kết sau đây:
Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân
sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ
đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt
của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà
cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học
truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các
thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời
thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.
Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả
năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu
cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao
cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề
trong sự vô tư và thân thiết.
Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật cắt sỏi mà dành công
việc đó cho những người chuyên.
Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh,
tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu
niên tự do hay nô lệ.
Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả
ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ
cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.
Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ
được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi
mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ
phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.
Phiên bản hiện đại:
Lời thề này được viết vào năm 1964 bởi Louis Lasagna, Hiệu
trưởng của Trường Y khoa tại Đại học Tufts, và được sử dụng trong nhiều trường
y khoa ngày nay.
Tôi thề phải thực hiện, đến hết khả năng và sự phán đoán của
tôi, giao ước này:...
Tôi sẽ tôn trọng những thành quả khoa học của các thầy thuốc
đi trước, và sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình cho những người tiếp nối.
Tôi sẽ ứng dụng, vì lợi ích của người bệnh, tất cả các biện
pháp khi cần thiết, tránh sa vào việc điều trị thái quá và điều trị theo chủ
nghĩa hư vô.
Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của
khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con
dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ.
Tôi sẽ không xấu hổ khi nói rằng "Tôi không biết",
cũng sẽ không ngần ngại tham vấn ý kiến của các đồng nghiệp khi các kỹ năng của
họ cần thiết cho việc phục hồi của bệnh nhân.
Tôi sẽ tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân, không được tiết
lộ các vấn đề của họ. Quan trọng hơn, tôi không thể quyết định được sự sống và
cái chết. Trên hết, tôi không thể đóng vai trò của Chúa trời.
Tôi sẽ luôn nhớ rằng mình không phải điều trị một cơn sốt,
hay sự phát triển của khối u, mà là đang điều trị một người đang mắc bệnh, tình
trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến gia đình người đó và sự ổn định của nền kinh tế.
Trách nhiệm của tôi bao gồm những vấn đề liên quan, để chăm sóc đầy đủ cho người
bệnh.
Tôi sẽ tìm mọi cách để phòng bệnh bất cứ khi nào tôi có thể
nhưng tôi sẽ luôn luôn tìm kiếm một phương hướng chữa cho tất cả các bệnh.
Tôi luôn nhớ rằng mình vẫn là một thành viên của xã hội, với
những nghĩa vụ đặc biệt cho đồng bào của tôi, tâm trí và thể xác tôi cũng như
các bệnh tật.
Nếu tôi không vi phạm lời thề này, tôi sẽ được tận hưởng cuộc
sống mỹ mãn, được tôn trọng khi còn sống và nhớ đến mãi về sau. Tôi sẽ luôn làm
việc để giữ gìn các truyền thống của điều mà tôi đã chọn và tôi sẽ có thể trải
nghiệm niềm vui của việc cứu chữa những người tìm kiếm sự giúp đỡ của tôi.
Các lời thề tương đương:
Trong khung cảnh hiện đại, lời thề Hippocrates đã bị bỏ,
thay đổi hay thay thế bằng các lời thề phản ảnh giá trị văn hóa và xã hội ngày
nay, nhất là tại các trường y khoa phương Tây.
Lời thề Hippocrates cũng đã được đổi mới dựa theo Tuyên ngôn
Geneva. Hội đồng Y khoa (General Medical Council) của Anh đã có một hướng dẫn
rõ cho các thành viên của họ trong các tài liệu sau Duties of a doctor và Good
Medical Practice (tiếng Anh).
Mười hai điều Quy định về Y đức:
12 điều Y đức là Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y
tế được ban hành kèm theo quyết định số: 20881BYT-QĐ ngày 06 tháng 11 nǎm 1996
của Bộ trưởng Bộ Y tế. Nội dung của các điều này gồm:
Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự
nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ.
Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng
cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu
khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian
khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế
chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp
chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự
chấp nhận của người bệnh.
Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn
trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm
kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi
xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban
ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi
thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ
niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người
bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để
cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và
nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập
luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải
hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người
bệnh biết.
Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời
không được đùn đẩy người bệnh.
Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp
lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất,
thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.
Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và
xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.
Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp
tục điều trị, tự chǎm sóc và giữ gìn sức khỏe.
Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và
hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.
Thật thà, đoàn kết tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc
thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về
mình, không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước.
Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe,
phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu
thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.
Lời tuyên thệ của người thầy thuốc (trước 1975):
Trước đấng tối cao mà tôi tin tưởng. Trước các Y tổ của thế
giới và Việt Nam Hippocrates và Hải Thượng Lãn Ông. Trước các thầy và các bạn đồng
môn đã gây dựng y-nghiệp cho tôi. Trước các bậc sinh thành ra tôi. Và nhất là
trước lương tâm chức nghiệp của chính tôi. Tôi xin tuyên thệ
Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu
người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại,
Trong khi hành nghề, tôi chỉ dùng mọi hiểu biết về người bệnh
để phục vụ Y - đạo,
Vì tình yêu tổ quốc, tôi sẽ cố phát triển những sắc thái đặc
biệt của nền y học Việt Nam,
Vì tình yêu thương nhân loại, tôi sẽ cứu tất cả mọi người và
truyền nghề cho bất cứ những ai có khả năng và thiện chí,
Vì tôn trọng sinh mạng của người bệnh và tư tưởng cao đẹp của
nghề thầy thuốc, tôi sẽ phải học hỏi và nghiên cứu trọn đời,
Hôm nay chỉ mới là bắt đầu.
Qui ước đạo đức ngành y của Hiệp hội Y khoa Thế giới (World
Medical Association)
Nhiệm vụ chung của người thầy thuốc:
1. Thực hành nghề nghiệp và duy trì chuẩn mực chuyên môn ở mức
độ cao nhất.[4]
2. Tôn trọng quyền của bệnh nhân chấp nhận hay bác bỏ đề nghị
của thầy thuốc.
3. Không để cho phán xét cá nhân bị chi phối bởi quyền lợi
cá nhân hay phân biệt đối xử.
4. Hết lòng trong việc cung cấp dịch vụ chuyên môn cho bệnh
nhân.
5. Hành xử thành thật với bệnh nhân và đồng nghiệp. Báo cáo
cho giới chức có trách nhiệm biết những thầy thuốc thiếu y đức hoặc bất tài hoặc
có hành vi lừa đảo.
6. Không thuyên chuyển bệnh nhân hoặc ra toa thuốc để hưởng
lợi ích tài chính hay quà cáp.
7.Tôn trọng quyền và sự lựa chọn của bệnh nhân.
8. Có trách nhiệm giáo dục công chúng về những khám phá mới
trong y học, nhưng cần phải cẩn thận trong việc áp dụng các phương pháp còn
trong vòng thử nghiệm.
9. Cố gắng sử dụng tài nguyên y tế một cách sáng suốt nhằm
đem lại lợi ích cho bệnh nhân và cộng đồng.
10.Tìm người điều trị nếu mình mắc bệnh.
11.Tôn trọng các chuẩn mực đạo đức địa phương và quốc gia.
Nhiệm vụ chung của người thầy thuốc đối với bệnh nhân:
12. Tôn trọng sinh mạng của con người.
13. Hành động vì lợi ích của bệnh nhân.
14. Tuyệt đối trung thành với bệnh nhân. Bất cứ khi nào
phương pháp điều trị hay xét nghiệm ngoài khả năng của mình, người thầy thuốc
phải giới thiệu đến một chuyên gia khác.
15. Tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân. Không tiết lộ bất
cứ thông tin nào về bệnh nhân cho bất cứ ai, nếu không có sự đồng thuận của bệnh
nhân.
16. Cung cấp dịch vụ chăm sóc trong trường hợp khẩn cấp.
17. Không quan hệ tình dục với bệnh nhân. Không lợi dụng mối
quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét