Loại hoa này không chỉ trang điểm cho các phòng khách sang trọng mà còn là vị thuốc quý chữa bệnh đường tiết niệu, chảy máu cam, động thai… Hoa kim trâm cũng là thứ “rau” cao cấp, rất giàu vitamin.
Trong y dược học hiện đại, kim trâm là nguồn nguyên liệu tốt để bào chế tân dược. Loại hoa này chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như protein, chất béo, nitơ tự do, đường khử, tinh bột… Nó là nguồn vitamin A, thiamin và vitamin C dồi dào.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Cây kim trâm dài chừng một thước, hình như cái trâm vàng nên gọi như thế”. Nó còn có tên là hoa hiên, huyên thảo, rau huyên, hoàng hoa, kim trâm thái… Giống cây này ưa khí hậu nhiệt đới núi cao, quanh năm ẩm mát. Ở Việt Nam, kim trâm mọc hoang dã tại Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Từ lâu, kim trâm đã được sử dụng như một vị thuốc dân gian có nhiều công hiệu. Lá và hoa làm thuốc chữa đổ máu cam, an thai, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt, làm yên ngũ tạng, khỏi bốc nóng, giúp ăn ngon ngủ yên, sáng mắt… Rễ cây vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thuỷ, lương huyết, chỉ huyết, được dùng làm thuốc lợi tiểu, giảm đau, chữa sốt, lỵ, nôn ra máu, đại tiện ra máu;sỏi tiết niệu. Rễ cây cũng có tác dụng chữa ho ra máu, viêm gan, vàng da, viêm tuyến mang tai, viêm tai giữa, đau răng. Lá và rễ giã đắp có thể trị sưng vú.
Nước sắc hoa kim trâm có thể làm tăng tiểu cầu, hồng cầu nhưng không ảnh hưởng đến số lượng và công thức bạch cầu nên có tác dụng bổ máu. Hơn thế nữa, thứ nước sắc này có tác dụng đối kháng với dicoumarin (chất kéo dài thời gian đông máu), làm giảm rõ rệt thời gian đông máu, tránh mất máu nhiều cho người bệnh.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng kim trâm, vì với liều quá cao, nó có thể gây ngộ độc với biểu hiện: không kiềm được tiểu tiện, giãn đồng tử, ức chế hô hấp… Các bài thuốc dân gian thường chỉ dùng vị thuốc này với liều lượng xấp xỉ 30 g/ngày.
Ngoài tác dụng làm thuốc, kim trâm cũng là một món ăn ngon dành cho dân sành điệu. Cách chế biến thông dụng nhất là nấu canh. Gần đây, các đầu bếp đã nghĩ ra các món như xào thập cẩm, băm lẫn với thịt nạc hay hấp cách thuỷ cùng tim, cật lợn. Dù làm cách nào, kim trâm vẫn giữ được vị ngon, ngọt rất đặc trưng của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét