Hội chứng đau dây thần kinh hông gặp khá phổ biến ở nước ta. Thông thường nam giới mắc nhiều hơn nữ giới và gặp hầu hết trong độ tuổi đang lao động.
Bệnh đau dây thần kinh hông làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và qua đó ảnh hưởng đến khả năng lao động. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà việc chẩn đoán bằng cận lâm sàng như chụp bao rễ thần kinh bằng thuốc cản quang tự tiêu, điện cơ đồ, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ... và điều trị bệnh đau dây thần kinh hông có nhiều thuận lợi hơn trước đây.
Đau dây thần kinh hông là gì?
Đau dây thần kinh hông (còn gọi là đau dây thần kinh tọa) chủ yếu là đau các rễ thần kinh vùng thắt lưng (từ L5 đến cùng 1) và thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng. Đặc điểm của đau dây thần kinh hông là đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh hông. Đường đi của dây thần kinh này bắt đầu từ thắt lưng (L5) đi xuống mông dọc theo hai mặt sau của đùi xuống cẳng chân rồi có thể xuyên ra ngón cái, ngón út (còn tùy thuộc vào rễ bị đau là L5 hay cùng 1).
Dấu hiệu nhận biết bệnh đau dây thần kinh hông
Nổi bật nhất là triệu chứng đau: đau lưng sau đó là đau dây thần kinh hông. Đau thường xuất hiện khi làm việc gì đó gắng sức như nhấc một vật nặng bỗng đau nhói vùng thắt lưng, những giờ sau đó và những ngày sau có thể đau tăng lên và bắt đầu lan xuống mông, xuống chân theo đường đi của dây thần kinh hông. Tính chất đau cũng có khác nhau, đôi khi đau âm ỉ nhưng có khi đau dữ dội như dao đâm. Ngay cả khi ho, hắt hơi hoặc cúi gập người xuống cũng đau. Ban đêm thường đau tăng lên nhưng khi nằm nghỉ ngơi trên giường có nền cứng, đầu gối hơi co lại thì đau có thể giảm và bệnh nhân thấy dễ chịu hơn. Ngoài đau có thể thấy tê cóng, dấu hiệu kiến bò hoặc như ai đó dùng kim châm phía bờ ngoài bàn chân chéo qua mu bàn chân đến ngón cái hoặc ngón út.
Khi sờ vào vùng thắt lưng thấy cơ lưng phản ứng cứng. Cột sống mất đường cong sinh lý bình thường. Bệnh nhân có tư thế ngay lưng, vẹo người để chống đỡ với triệu chứng đau.
Căng dây thần kinh hông: Người thầy thuốc có thể dùng một trong các nghiệm pháp đơn giản sau đây:
Cho người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, bàn tay thầy thuốc đỡ hai chân bệnh nhân lên (đầu gối người bệnh phải thẳng) rồi từ từ nâng lên khỏi mặt giường nếu đau dây thần kinh hông thì chỉ nâng lên được một góc độ nhất định, nếu bệnh nhân đã thấy đau, từ từ nâng chân lên thì càng thấy đau tăng, không chịu đựng được (góc nâng lên càng nhỏ mức độ đau càng nhiều).
Bệnh nhân ngồi trên giường, hai chân duỗi thẳng, cúi đầu xuống, 2 ngón tay trỏ xu hướng sẽ sờ vào hai ngón chân cái: nếu bệnh nhân thấy đau nhiều ở lưng mông, thì rất khó sờ được ngón chân. Muốn sờ được ngón chân người bệnh phải gập đầu gối lại.
Hậu quả của đau dây thần kinh hông:
Đau dây thần kinh hông có thể chỉ xảy ra một bên nhưng cũng có trường hợp bệnh xảy ra hai bên tùy theo nguyên nhân, ví dụ lao cột sống, thoát vị đĩa đệm giữa, ung thư... Đau dây thần kinh hông có thể đau cấp tính hoặc đau mạn tính.
Thể đau cấp tính: Người bệnh đau dữ dội trong vài ngày, vài tuần có khi lâu hơn và khi dùng thuốc giảm đau sẽ có tác dụng, vì vậy khi dùng thuốc mà không có tác dụng thì cần được hội chẩn để có hướng điều trị khác.
Thể mãn tính: Bệnh không được điều trị dứt điểm từ đầu thì có thể trở thành mạn tính, khi đó người bệnh thấy hay đau âm ỉ ở vùng mông và vùng thắt lưng.
Ngoài ra, bệnh có thể tiến triển thành liệt nhẹ hoặc teo cơ.
Nên làm gì để phòng bệnh đau dây thần kinh hông?
Không mang vác nặng, đặc biệt là khi mang, vác vật nặng không đúng tư thế (tư thế bị lệch).
Khi có hiện tượng dây thần kinh hông bị đau, đặc biệt là sau khi mang vác vật nặng, lệch tư thế cần đến cơ sở y tế để được khám và xác định, không tự tiện kéo, nắn hoặc làm các động tác thô bạo khác.
Khi đã bị đau dây thần kinh hông cần được đi khám bởi thầy thuốc chuyên khoa thần kinh và tuân thủ các chỉ dẫn điều trị.
Điều trị đau dây thần kinh hông
Điều trị theo nguyên nhân là tốt nhất. Do vậy biện pháp tìm nguyên nhân chính xác là rất quan trọng. Muốn làm được điều này bệnh nhân cần đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh để có hướng điều trị đúng.
Điều trị theo triệu chứng giảm đau, hạn chế làm căng dây thần kinh hông. Trong giai đoạn cấp tính người bệnh nên nằm yên trên giường có nền cứng, phẳng dùng một chiếc gối đặt vào khoeo chân làm cho đầu gối hơi gập lại để làm chùng dây thần kinh hông, động tác này giúp cho giảm đau đáng kể trong cơn đau cấp tính. Đây chỉ là biện pháp tình thế giải quyết giảm đau khi cơn cấp tính, tiếp theo là phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ.
Đối với loại bệnh mạn tính nên tập thể dục nhẹ nhàng, đúng động tác. Có thể điều trị kết quả bằng kết hợp đông tây y (xoa bóp, bấm huyệt, thủy châm, điện châm, thuốc đắp, thuốc uống...) nhưng phải do thầy thuốc đông y hoặc lương y khám và điều trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét