Những mảnh xương người được ướp trong túi có đá gel rồi đưa từ các nơi về Hà Nội để nuôi dưỡng, thoáng nghe qua nhiều người có chút gờn gợn sợ hãi.
Chị Đoàn Thị Quỳnh Mai – Labo công nghệ mô ghép – thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dẫn phóng viên vào tham quan trung tâm nuôi dưỡng và bảo quản các mảnh xương sọ người.
Chị Mai giới thiệu với phóng viên về trung tâm nuôi dưỡng xương.
Mặc dù không hề nhìn thấy bất cứ mảnh xương sọ người nào như chúng tôi tưởng tượng trước khi đến đây, nhưng vẫn có cảm giác lành lạnh. Các cán bộ ở đây luôn vui vẻ hồn nhiên bên cạnh một phần cơ thể của hàng ngàn người mà họ đang có trách nhiệm bảo quản để sau này trả về cho chính chủ nhân.
Trong khi đó, nhiều trường hợp người nhà trông thấy túi đựng mảnh xương của con em mình đã chảy nước mắt, có người sợ không dám sờ vào.
Nơi gửi gắm của bệnh nhân chấn thương sọ não
Anh Nguyễn Văn T. Hạ Long, Quảng Ninh bị chấn thương sọ não, dập não do tai nạn giao thông. Các bác sĩ tiến hành mở hộp sọ để giải áp lực nội sọ và xử trí những tổn thương bên trong. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải lấy ra một mảnh hộp sọ mang đến Bộ môn Mô học và Phôi thai học - Đại học Y Hà Nội để bảo quản. Khi bệnh nhân T. ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật ghép lại mảnh xương sọ.
Anh Nguyễn Văn Hùng người nhà anh T. đến lấy mảnh xương sọ cho anh trai vẫn không tin rằng mảnh xương sọ của anh bị cắt mất ¼ đầu lõm hẳn đi giờ sẽ được ghép lại hoàn chỉnh như trước. Mảnh xương được để trong hộp xốp nhỏ, bác sĩ đã cho đá gel và anh Hùng sẽ mang về bệnh viện tỉnh để ghép. Cầm hộp xốp có chứa một phần cơ thể em trai đã được cắt bỏ ra từ mấy tháng trước, anh Hùng thấy rưng rưng vì điều kỳ diệu của y học.
Trường hợp bệnh nhân Vũ Duy Th. trú ở Thanh Hóa. Năm 20 tuổi Th. bị tai nạn giao thông phải gửi ½ sọ của mình ở trung tâm. Bố mẹ Th mang xương ra gửi cho con. Bố mẹ khóc ầm ĩ cả sân nhà A3. Nhiều người bất ngờ không hiểu vì sao họ lại khóc ở sân trường đại học. Lúc này, PGS Thìn – trưởng labo xuống hỏi han mới biết được trường hợp của họ. Sau này, bệnh nhân được chính Bệnh viện Đại học Y phẫu thuật ghép lại mảnh xương, trung tâm giảm chi phí bảo quản mô xương cho bệnh nhân vì hoàn cảnh của gia đình khó khăn.
Phòng vô trùng để khử trùng xương, làm các khâu để đưa xương vào kho nuôi dưỡng
Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân gửi xương sọ nhưng họ không qua khỏi. Người nhà bệnh nhân có mong muốn nhận lại mảnh xương sọ về an táng cùng với bệnh nhân. Chị Mai tâm sự, có khi nửa đêm người nhà bệnh nhân gửi gọi cho bác sĩ xin nhận về để làm lễ khâm liệm cho người thân. Lúc đó các bác sĩ trực vẫn đến trả xương cho người nhà mang về.
Bảo quản bằng cách nào?
PGS. TS Ngô Duy Thìn cho biết phương pháp bảo quản mảnh xương sọ ngoài cơ thể lần đầu tiên áp dụng tại khu vực phía Bắc vào năm 2002 và Đại học Y Hà Nội là cơ sở áp dụng đầu tiên. Trước đây khi chưa có phương pháp này, mảnh xương được bảo quản trong cơ thể người bệnh bằng cách rạch da bụng, cho mảnh xương vào rồi khâu lại.
Cách làm này gây đau đớn, tốn kém cho bệnh nhân vì phải tiến hành thêm hai cuộc mổ phụ. Phương pháp bảo quản mảnh xương ở - 80 độ C, tiệt khuẩn bằng tia gamma hiện là phương pháp phổ biến trên thế giới. Tại labo bảo quản mô hiện có 4 chiếc tủ siêu lạnh với nhiệt độ đạt đến - 85 độ C.
Chị Mai cho biết tại đây đã nhận khoảng gần 8000 mô xương sọ trong đó chủ yếu của những người bị chấn thương sọ não, u não, phình mạch não. Trong số đó, có khoảng 3/4 số xương sọ đã được lắp trả lại cho bênh nhân, số còn lại là của bệnh nhân mới gửi hoặc có những mảnh xương của bệnh nhân gửi từ năm 2002 cho đến giờ. Các kỹ thuật viên ở đây cho biết họ vẫn lưu giữ cho bệnh nhân. Có thể những bệnh nhân này đã mất và người nhà của họ cũng không nhớ gì tới mảnh xương đã gửi.
Mỗi tháng, trung tâm mô tiếp nhận hang trăm trường hợp đến xin gửi mô. Chị Đoàn Thị Quỳnh Mai kể, có những phụ huynh mang xương sọ của con đến gửi rồi khóc rưng rưng vì họ sợ gửi như thế có khi con mình cũng chẳng sống được. Lúc ấy, các bác sĩ của trung tâm phải giải thích cho họ hiểu.
Nhìn những túi đựng xương sờ cứng ngắt được đặt trong các tủ lạnh chuyên dụng, nhiều cán bộ ở đây kể có nhiều người nhà tò mò không biết chúng tôi nuôi mô bằng gì. Có những người nhà bệnh nhân tưởng tượng ra ngân hàng là những lọ đựng xương, gân có ngâm trong dịch lỏng như nuôi con mẻ. Nhưng tất cả đều hiểu sai. Thực ra tất cả các mô này chỉ cần xử lý vô trùng và đặt trong môi trường siêu lạnh. Bình lưu trữ mảnh mô xương sọ chỉ là tủ siêu lạnh chứ không phải bình ni tơ hay dịch lỏng gì để cho xương “ăn” hàng ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét