Có nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe và tuổi thọ con người, trong đó có hormon. Có khá nhiều loại hormon, mỗi loại ngoài chức năng chính còn tham gia chi phối các hoạt động khác; trong đó có liên quan đến chuyện trường sinh bất lão.
Hormon tuyến giáp
Tuyến này tiết ra hormon có tên là thyroxin. Nó tác động trên nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng trong đó quan trọng là việc tạo năng lượng (vai trò chuyển hóa), tạo sự thèm ăn, hưng phấn tinh thần, điều chỉnh thân nhiệt, liên quan đến chuyển hóa iod.
Có nhận xét, lượng thyroxin ở người già và người trẻ đều được tiết như nhau, nhưng khả năng hoạt lực của nó giảm khi nhiều tuổi, nguyên nhân do một chất, hiện nay tạm gọi là “DEKO”. Do đó, các nhà khoa học đang tìm loại thuốc phá hủy chất này để làm cho người trẻ lại, cũng như tính toán lượng thyroxin sao cho vừa đủ, khiến cho sự trao đổi chất diễn ra tốt nhất. Được vậy sẽ làm chậm quá trình lão hóa hàng chục năm.
Hormon tăng trưởng (HGH)
Hormon tăng trưởng được tiết ra bởi tuyến yên. Đó là một hỗn hợp gồm 191 acid amin. Hormon này kích thích sự phát triển của cơ thể, nhất là xương (đối với trẻ em), tạo khối cơ bắp, sự dẻo dai ở người trưởng thành. Nó có ảnh hưởng đến các chuyển hóa: với glucid (làm giảm dung nạp), lipid (có hiệu lực phân hủy), protid (tác dụng tăng trưởng). HGH làm người trẻ ra, da mỏng hơn, sung mãn hơn và làm cho hệ miễn dịch tốt hơn. Khi 20 tuổi là thời điểm có lượng HGH cao nhất, sau đó giảm dần, lúc 40 tuổi chỉ còn một nửa và đến 60 chỉ còn 1/5. Trong dược phẩm, thường dùng tên somatropin với khá nhiều biệt dược: asellacrin, genotropin, Humatrope...
Qua việc dùng HGH cho một số người già từ 60 tuổi trở lên, tuần dùng 3 lần, kéo dài 6 tháng liền các nhà khoa học nhận thấy kết quả khả quan, tạo sự hồi xuân khi hồi phục được 10% cơ bắp, 9% độ dày của da và da căng hơn, xương cứng hơn, thể trọng giảm trung bình 14%, có cảm tưởng họ đã trẻ lại từ 10-15 năm.
Tuy vậy, còn nhiều e ngại vì nó có thể làm tăng đột biến nguy cơ ung thư: vú, ruột, tuyến tiền liệt. Hiện đang còn tranh luận có nên dùng HGH trong việc chống lão hóa hay không? Nhất là sau chuyện bê bối xảy ra ở một số nước dùng HGH chiết xuất từ tuyến yên của một số xác chết gây nên căn bệnh bò điên (bệnh Creutzfeldt-Jakob) làm 53 phụ nữ bị chết.
Hormon DHEA
Hormon này có tên khoa học là dihydroepiandrosteron (DHEA), được sản xuất ở tuyến thượng thận, do một giáo sư người Pháp: Etinene Emile Baulieu, một nhà khoa học nổi tiếng tìm ra gần đây. Theo một số nhà khoa học Mỹ thì có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của người, đó là nhiệt độ cơ thể, insulin và DHEA. Những người sống lâu hơn người khác nếu có nhiệt độ thấp, hàm lượng insulin không cao và lượng DHEA tăng. Lý do nhờ tốc độ trao đổi chất ở những người này chậm hơn.
Tỷ lệ của DHEA, một loại nueroteroid đặc biệt chỉ có ở người và khỉ đột, nó giảm dần theo năm tháng cuộc đời, ở tuổi 60 chỉ còn 10% (!). Thử nghiệm trên 280 người (tỷ lệ nam nữ như nhau), độ tuổi từ 60-79, chia làm 2 nhóm đối chứng (một nhóm dùng DHEA, với liều 50mg, còn nhóm kia dùng giả dược), theo dõi trong vòng 1 năm, có nhận xét: nhóm dùng DHEA có sự cải thiện về xương (độ thoái hóa giảm, mật độ xương tăng đáng kể nơi háng và cổ tay), da dẻ trở nên mịn màng và sáng hơn (nhất là các chị em), có sự gia tăng về ham muốn tình dục, do đó Baulieu nhận định đây là loại hormon chịu trách nhiệm về các quá trình lão hóa ở các cơ quan nội tạng. Theo TS. Jame Michael ở Đại học Harvard (Mỹ), nếu dùng kết hợp DHEA với melatonin (một hormon do tuyến tùng sản sinh có tác dụng gây ngủ tự nhiên) và có chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cho con người sống khỏe và trẻ lâu.
Các hormon khác
Ngoài các hormon trên, còn đề cập đến một số phương pháp trị liệu nhằm làm giảm bớt những suy thoái và khó chịu của cơ thể khi đã có tuổi như liệu pháp thay thế hormon (dùng estrogen hoặc kết hợp với progesteron liều thấp cho chị em thời kỳ mãn kinh), liệu pháp bổ sung (testosteron) hoặc dùng melatonin (chữa rối loạn giấc ngủ). Gần đây các nhà khoa học Ba Lan có công bố phát hiện hormon adiponectin, có tỷ lệ cao hơn mức trung bình ở các cụ trên 100 tuổi, còn ở người có tỷ lệ thấp thì có nhiều nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và vữa xơ động mạch. Còn các nhà khoa học Anh thuộc Đại học Y khoa Baylor tìm ra loại hormon do tuyến tụy sản xuất có tên, amylin, phụ nữ ở tuổi mãn kinh có hàm lượng chất này cao hơn mức bình thường thì mật độ xương rắn chắc như đang ở tuổi trưởng thành.
Theo nhiều nhà khoa học, tiến trình lão hóa rất phức tạp, phụ thuộc nhiều yếu tố và trong lĩnh vực hormon, khi có tuổi dẫn đến việc biến đổi của nhiều loại hormon không chỉ có một chất. Để xác định được liều lượng từng loại hormon do từng người trong từng giai đoạn là việc vô cùng khó khăn vì thế cần thận trọng để tránh việc thừa, thiếu hormon sẽ gây nhiều tác hại...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét