Theo Đông y, củ khoai sọ có vị cay ngọt; vào tỳ thận. Lá và bẹ lá vị cay, tính bình; có tác dụng liễm hãm, chỉ tả, tiêu thũng độc.
Củ khoai sọ
Khoai sọ còn có nhiều tên khác như khoai môn, ma vu, vu đầu…, có tên khoa học Colocasia antiquorum Schott, thuộc họ Ráy - Araceae. Cây khoai sọ có thân thảo, mềm, mọng nước, phần gốc phình thành củ lớn sần sùi hình trứng, có thể đẻ nhánh cấp 1- 2- 3 thành nhiều củ con sít nhau. Lá hình khiên, dài tới 20-50cm, gốc hình tim, cuống lá mập, bẹ ôm thân, mọc đứng, dài tới 1-2cm. Mo có màu vàng nhạt, ống thuôn, màu lục nhạt, ngắn, liền, phiến hình mũi mác hẹp có mũi dài. Bộ phận dùng: Củ và lá.
Theo Đông y, củ khoai sọ có vị cay ngọt; vào tỳ thận. Lá và bẹ lá vị cay, tính bình; có tác dụng liễm hãm, chỉ tả, tiêu thũng độc. Củ khoai sọ ích khí bổ thận, phá huyết tán kết, khu phong, chỉ thống, trừ đàm tiêu thũng. Dùng cho các trường hợp phát ban dị ứng mẩn ngứa, sa trực tràng, lỵ mãn tính, viêm sưng hạch (lao hạch), chấn thương đụng giập, gãy xương chảy máu do chấn thương, viêm sưng khớp do phong thấp, đau dạ dày, mụn nhọt…
Sau đây là một số món ăn, vị thuốc chữa bệnh từ khoai sọ:
- Chữa cơ thể suy nhược: Khoai sọ 100g, thịt lợn nạc 50g nấu canh ăn trong các bữa cơm. Tác dụng bổ âm, chống khô khát, ích khí, nuôi dưỡng dạ dày, chống mệt mỏi. Hoặc khoai sọ 250g (gọt vỏ thái thành miếng nhỏ), táo tàu 50g, đường đỏ 50g, nấu nhỏ lửa thành món chè, chia 3 - 4 lần ăn trong ngày. Dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi ốm dậy.
- Chữa sưng bầm tím: Khoai sọ 120g, hành sống 3 củ giã nghiền nát, thêm chút rượu khuấy cho nhuyễn đều, bôi đắp qua gạc mỏng trên chỗ đụng giập chấn thương kín có sưng bầm tím.
- Chữa đau nhức chân tay: Khoai sọ 60g, xương cẳng hoặc xương sống lợn 100g. Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước, gia vị. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ, ăn ngày 2 lần, có tác dụng khu phong trừ thấp.
- Chữa mệt mỏi, biếng ăn, miệng khát: Khoai sọ 200g, sơn dược (củ mài) 50g, gạo tẻ 50g, nấu cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn món cháo này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị (tăng cường chức năng tiêu hóa), dùng chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát.
- Chữa ong đốt: Lấy lá tươi giã nát đắp.
- Chữa suy nhược thần kinh, giúp trí nhớ: Khoai sọ 300g, đậu ngự 100g, dầu ăn, gia vị vừa đủ. Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch, ngâm với nước muối cho sạch nhớt. Đậu ngự rửa sạch, ngâm nước cho mềm, luộc qua. Phi dầu ăn với tỏi cho thơm, cho khoai sọ vào xào qua rồi cho nước vào nấu khoảng 10 phút. Cho tiếp đậu ngự vào hầm. Khi đậu và khoai nhừ, thêm gia vị, ăn nóng.
- Chữa mụn nhọt đầu đinh: Củ khoai sọ và giấm, liều lượng bằng nhau. Luộc chín sau đó nghiền nát để đắp.
- Chữa tiêu chảy, lỵ: Lá khoai sọ 30g, củ cà rốt 30g, tỏi 1 củ. Sắc nước uống.
- Chữa bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: Cua đồng 200g, khoai sọ 60g, rau rút 1 mớ. Cua đồng rửa sạch, bỏ yếm và mai, giữ lại gạch cua, giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn. Khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn: Rau rút nhặt lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc, rửa sạch. Cho khoai vào nước cua, nấu đến khi khoai chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được.
- Chữa mày đay: Bẹ lá khoai 60g, rễ cây tai chuột 30g, hồng táo 30g, đường đỏ 30g. Sắc uống. Có thể kết hợp nấu bẹ khoai sọ tươi với sườn lợn.
Lưu ý: Khi chế biến khoai sọ, phải nấu chín kỹ để tránh ăn bị ngứa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét