Bệnh và thuốc – Cây Phèn đen chữa mụn nhọt, vết thương
Phèn đen – Phyllanthus reticulatus Poir., thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae.
Mô tả: Cây nhỡ, cao 2-4m, cành nhánh màu đen nhạt đơn, nguyên mọc so le, có hình dạng thay đổi, hình trái xoan hình bầu dục hay hình trứng ngược; phiến lá rất mỏng, dài 1,5-3cm, rộng 6-12mm, mặt trên sẫm màu hơn mặt dưới; lá kèm hình tam giác hẹp. Hoa mọc ở nách lá, riêng lẻ hay xếp 2,3 cái một. Quả hình cầu, khi chín màu đen.
Ra hoa kết quả tháng 8-10.
Bộ phận dùng: Rễ, lá – Radix et Folium Phyllanthi Reticulati. Vỏ thân cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, mọc hoang khắp nơi, ở bờ bụi ven đường, ven rừng. Có khi được trồng làm hàng rào. Thu hái rễ vào mùa thu, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô cất dành. Lá thu hái vào mùa xuân hè, phơi trong râm. Vỏ thu hái quanh năm.
Tính vị, tác dụng: Rễ Phèn đen có vị chát, tính lạnh; có tác dụng tiêu viêm, thu liễm, chỉ tả. Lá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, lợi tiểu. Vỏ gây chuyển hoá.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ Phèn đen được dùng trị lỵ, viêm ruột, ruột kết hạch, viêm gan, viêm thận và trẻ em cam tích. Lá thường dùng chữa sốt, lỵ, ỉa chảy, phù thũng, ứ huyết do đòn ngã, huyết nhiệt sinh đinh nhọt, còn dùng chữa bị thuốc độc mặt xám da vàng và rắn cắn. Vỏ thân dùng chữa lên đậu có mủ và tiểu tiện khó khăn.
Ở Ấn Ðộ, người ta dùng dịch lá làm viên với Long não và Màng tang… để trị lợi răng bị thương; dịch lá cũng được dùng trị ỉa chảy cho trẻ em.
Đơn thuốc:
1. Trị kiết lỵ: Dùng lá Phèn đen tươi giã nát, thêm nước, lọc. Dùng mạch nha, ý dĩ, Cam thảo đất đã phơi khô, đem tán bột, mỗi thứ đều nhau, độ 1/2 thìa cà phê, uống với nước Phèn đen.
2 Trị rắn cắn: Lấy lá Phèn đen tươi giã nuốt nước; lấy bã đắp.
3. Chảy máu nướu răng: Dùng lá Phèn đen phơi khô ngậm, có thể phối hợp với lá Long não và lá Xuyên tiêu.
4. Nhọt độc mới phát: Dùng lá Phèn đen, lá Bèo ván giã đắp.
5. Vết thương: Dùng bột lá Phèn đen rắc cho chóng lành, mau lên da non.
Câu chuyện
Đang ngủ trưa trong khu tập thể(khoảng năm 1990) thì thấy anh H., lúc đó là Trưởng phòng Hành chính đến gọi:
- Chú vào xem hộ cháu gái bị lên đinh ống ở ngón tay, cháu mới 18 tuổi, nguy hiểm lắm, không khéo rụng mất ngón tay thì khổ.
Tôi vội vàng dắt xe đạp đi cùng anh. Đến nơi tôi thấy ngón tay trỏ của cháu bị sưng phù, đỏ tím như hạt cây Mồng tơi chín, máu mủ đang rỉ ra. Nhìn thấy tôi cũng ái ngại. Nhớ trong sách thuốc của cụ Hải Thượng Lãn Ông có nói đến cây phèn đen chữa lên đinh ở tay, chân rất hiệu nghiệm, tôi liền dẫn anh ra ven đồi hái một nắm lá cây Phèn đen và hướng dẫn anh về rửa sạch, đắp vào nơi bị đinh ở tay và băng lại.
Chiều gặp lại, anh cho biết sau khi đắp lá cây này vào, máu mủ ở chỗ bị lên đinh ra rất nhiều, ngón tay đã xẹp xuống. Anh lại tiếp tục đắp miếng lá khác.
Và ngày hôm sau, bệnh của cháu gần như khỏi.
Lại một trường hợp khác:
Anh D. là giáo viên ở cùng Trường. Một hôm anh đến và cho biết vợ anh bị lên càng cua ở tay. Em trai vợ làm bác sỹ ở một bệnh viện, đã trực tiếp chích mủ cho chị. Nhưng hàng tuần nay vết thương không khô, cứ chảy nước vàng hoài, mặc dù đã tiêm và uống rất nhiều thuốc kháng sinh. Tôi lại đi hái cho anh một nắm lá cây Phèn đen và bày cho anh cách sử dụng. Ngày sau anh D. đến cho biết, lá cây này hay quá, từ khi đắp, vết thương của vợ anh khô dần, qua một ngày bỏ ra xem thấy gần như khỏi hẳn.
Đó, những cây tầm thường quanh ta nhiều khi lại là thuốc rất quí. Chúng ta ngày càng ít để ý đến thuốc dân gian, nhất là lớp trẻ bây giờ. Ta nên kế thừa và phát huy.
Cây Phèn đen
Cây phèn đen là loại mọc hoang ở ven rừng hay bờ bụi khắp mọi miền, hay được trồng làm hàng rào.
Lá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, lợi niệu, được dùng để trị sốt, tiêu chảy, phù thũng, ứ huyết do đòn, té ngã, huyết nhiệt sinh đinh nhọt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét