Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Cỏ lá tre(đạm trúc diệp) - Lophatherum gracile Brongn.

Cỏ lá tre
Cỏ lá tre - Lophatherum gracile Brongn., thuộc họ Lúa - Poaceae.
Mô tả: Cỏ sống dai, cao 40-100cm. Rễ phình thành củ, hình chùm. Lá mềm, mọc so le, nom giống lá tre, mặt trên ít lông, mặt dưới nhẵn. Cụm hoa hình bông thưa, gồm nhiều bông nhỏ dài màu trắng. Quả hình thoi.
Ra hoa từ tháng 7-11.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Lophatheri; Thường gọi là Ðạm trúc diệp.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Ðộ, Malaixia, mọc hoang ở những chỗ ẩm và có sáng dọc các lối đi trong rừng ở nhiều nơi. Thu hái thân cây non và lá vào mùa hạ, trước khi hoa nở, phơi khô.
Thành phần hoá học: Có arundoin, cylindrin, taraxerol, còn có các acid hữu cơ, các loại đường.
Tính vị, tác dụng: Cỏ lá tre có vị ngọt, nhạt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, trừ phiền, lợi tiểu. Là thuốc thanh lương giải nhiệt rất hay; lại còn dùng làm thuốc uống cho mau đẻ. Ðàn bà có thai uống nhiều sẽ gây đẻ non.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Bệnh sốt khát nước, trẻ em sốt cao, co giật, phiền táo; 2. Viêm hầu, viêm miệng, đau mồm, sưng tuyến nước bọt; 3. Viêm đường tiết niệu, giảm niệu, đái ra máu. Dùng 10-15g dạng thuốc sắc.
Ðơn thuốc:
1. Sốt có khát nước, dùng Cỏ lá tre 30g, Sắn dây 15g, sắc uống.
2. Ðau mồm, giảm niệu dùng Cỏ lá tre 12g. Sinh địa (không đồ) 20g. Cam thảo 6g, sắc uống.
3. Ðái ra máu, dùng Cỏ lá tre, rễ Cỏ tranh, đều 15g, sắc uống.
phương thuốc từ cây đạm trúc diệp
 
Còn gọi là trúc diệp, toái cốt tử, trúc diệp mạch đồng, mể thân thảo, sơn kê mễ.
Tên khoa học Lophatherum gracile Brongn. (Acroelytrum japonicum Steud.).
Thuộc họ Lúa Poaceac (Gramineae).
Đạm trúc diệp (Herba Lophatheri) là toàn cây đạm trúc diệp phơi hay sấy khô.
A.Mô tả cây
Đạm trúc diệp là một loại cỏ sống lâu năm, có rễ phình thành củ, nhiều nhánh, cứng. Thân cao 0,6-l,5m, mọc thẳng đứng, đốt dài. Lá mềm, hình mác dài nhọn, dài 10-15cm, rộng 2-3cm, những lá phía trên lơ thơ ở mặt trên có ít lông, mặt dưới nhẵn, cuống lá gầy tiếp liền với bẹ dài, ôm lấy thân. Hoa mọc thành chuỳ thưa, dài 15- 45cm, bông nhỏ dài 7-12mm. Quả dĩnh hình thoi dài chừng 4mm, nằm tự do trong mày nhỏ .

 
B.Phân bố, thu hái và chê biến
Loài này có nhiều dạng, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, nhiều nhất là ở những nơi rừng thưa hay đồi cỏ.
Còn mọc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Malaixia.
Vào tháng 5-6 cuối mùa hoa, người ta hái toàn cây mang về, cắt bỏ rể con, bó thành từng bó nhỏ phơi hay sấy khô. Vị thuốc nhiều khi còn có cả rễ con và đôi khi cả cụm hoa.
C.Thành phần hoá học
Chưa thấy có tài liêu nghiên cứu.
D.Tác dụng dược lý
Năm 1937, hai tác giả là Hutchins và Swith đã dùng nhũ dịch 15% men tiêm dưới da gây sốt cho chuột bạch, rồi thí nghiệm tác dụng giảm sốt của 17 thứ thuốc khác nhau đã đi đến kết luận là cho vào dạ dày cao nước đạm trúc diệp với liều l-2g trên 1kg thể trọng có tác dụng giảm sốt, nhưng thuốc chế bằng rượu không có tác đụng giảm sốt; vậy chất chữa sốt tan trong nước.
Năm 1956, Chu Hàng Bích và một số tác giả khác (Trung Quốc sinh lý khoa học hội, 1956) dùng dung dịch trực trùng côli tiêm dưới da gây sốt cho mèo và thỏ rồi thí nghiệm tác dụng chữa sốt của đạm trúc diệp thì thấy với liều 2g trên 1kg thể trọng, đạm trúc diệp có tác dụng chữa sốt ngang với liều 33mg phenaxetin cho 1kg thể trọng. Ngoài ra lại còn có tác dụng lợi tiểu và tăng lượng đườmg trong máu.
Đối với chuột nhắt, liều độc LD50 là 0,645g trên l0g thể trọng.
E.Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ đạm trúc diệp có vị ngọt, nhạt, tính hàn, vào 2 kinh tâm và tiểu trường. Có tác dụng lợi tiểu tiện, thanh tâm hoả, trừ phiền nhiệt. Dùng chữa tâm phiến, tiểu tiện đỏ, tiểu tiện khó khăn.
Hiện nay, đạm trúc diệp được dùng trong nhân dân làm thuốc chữa sốt, thông tiểu. Phụ nữ có thai không được dùng (theo kinh nghiệm).
Liều dùng hàng ngày là 8-10g dưới dạng thuốc sắc, thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Đơn thuốc có đạm trúc diệp
Chữa viêm niệu đạo, tiểu tiện đau buốt:
Đạm trúc diệp 15g, thông thảo 5g, sinh cam thảo 3g, qua lâu căn l0g, hoàng bá 5g, nước 600ml, sắc còn 200ml, uống 3 lần trong ngày.
Chú thích:
Tên đạm trúc diệp đôi khi còn dùng để chỉ lá một loại tre Phyliostachys nigra Munrc var. henonis (Mitford) Stapf ex Rendle. Người ta dùng chữa sốt, khát nước, thổ huyết, cảm cúm.
Tại Trung Quốc (Triết Giang, Giang Tô và một số tỉnh khác) người ta còn dùng một loài thài lài Commelina communis L. thuộc họ Thài lài Commelinaceae) với tên đạm trúc diệp.
Cây này ở ta gọi là thài lài trắng, hay cỏ lài trắng-rau trai ăn. cỏ chân vịt, tên Trung Quốc là áp chích thảo, trúc diệp thái, nhi hoán thảo.
Thài lài trắng là một loài cỏ cao 25-50cm, hơi có lông hay nhiều lông. Thân chia nhánh, ở những đốt có thể mọc rễ. Lá thuôn dài hay hình mác phía dưới có bẹ, dài 2-10cm, rộng l-2cm, không có cuống. Hoa màu xanh lơ, mọc thành xim không cuống. Quả nang thường được bao hoa bao bọc, dài 5-6mm, rộng 4-6mm giữa thắt nhỏ lại. Thường mọc hoang ở những bãi, ruộng ẩm ướt .
Phân tích cây này ở Việt Nam, Aufray mới thấy có chất có nitơ 7,8%, chất không có nitơ 59,75%, chất béo 0,90%, xenluloza 20,15%, tro 12,80%. Có tác giả tìm thấy trong cỏ này một glucozit gọi là delphin và chất awobanin. Theo Diệp Quyết Tuyển thì trong cây có chất nhầy và tinh bột.
Nhân dân ta và Trung Quốc nhiều nơi dùng chữa sốt, khát nước, lợi tiểu tiện, giải độc, lỵ, bệnh về tim, rắn, rết, bọ cạp cắn đau buốt, dùng ngoài giã đắp lên những nơi đầu gối, khớp xương sưng đau.
Uống trong: Ngày uống 8-15g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy cây tươi giã đắp.
Đơn thuốc có cây thài lài trắng
Chữa phù thũng do tim (theo Diệp Quyết Tuyển);
Thài lài trắng 15g, xích tiểu đậu (đậu đỏ) 50g, nước 300ml, sắc còn l00ml chia 3 lần uống trong ngày.
Gs.ts. Đỗ Tất Lợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét