Dây lõi tiền - Stephania japonica (Thunb.) Miers, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.
Mô tả: Dây leo, không lông, thân mảnh. Lá có phiến hình lọng, xoan rộng, đầu tù, mặt dưới không mốc, không lông, gân gốc 5-7 toả hình chân vịt; cuống dài 4-12cm. Tán kép xuất hiện trên thân có lá, cuống cụm hoa và cuống hoa không lông; tán hoa hình cầu, cuống dài 2,5-4cm, hoa đực có 6-8 lá đài không lông, 3-4 cánh hoa; hoa cái với 3-4 lá đài, 3-4 cánh hoa, 1 lá noãn có đầu nhuỵ chẻ 3-5. Quả hạch tròn, to 6-8mm, màu đỏ. Nhân hình móng ngựa.
Bộ phận dùng: Rễ và toàn dây - Radix et Herba Stephania Japonicae, thường có tên gọi là Thiên kim đằng.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc rải rác từ Bắc vào Nam trong các lùm bụi. Còn phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin. Thu hái dây, rễ quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

Thành phần hoá học: Rễ chứa tinh bột; còn có các alcaloid như Stephanin, prostephanin, epistephanin, pseudoepistephanin và homostephanolin.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị rắn cắn, ghẻ ngứa; còn dùng chữa đái dắt, đái buốt. Ngày dùng 6-12g cây khô sắc uống, hoặc dùng dây lá tươi giã nát, hoà nước, gạn uống. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét