1. Định nghĩa dược liệu
Dược liệu là thân mang lá đã phơi hay sấy khô của cây Bồ công anh (Lactuca indica L.), họ Cúc (Asteraceae).
2. Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo cao 0,6-1m. Thân thẳng, ít hoặc không phân cành, lá mọc so le nhiều hình dạng, gần như không có cuống. Lá hình mũi mác đầu nhọn, chia nhiều thuỳ hay răng to. Lá gần ngọn ngắn hơn, gần như nguyên, răng lưa thưa. Cây có nhựa mủ trắng, vị hơi đắng. Cụm hoa hình đầu. Hoa vàng hoặc tím. Quả bế có mào lông trắng (Cây Bồ công anh 1, 2).
3. Thành phần hoá học
Trong rễ Bồ công anh có chứa acid amin, hydrat carbon, caroten, vitamin C, chất đắng. Chất đắng là lactucin và lactucopicrin. Ngoài ra còn có β-amyrin, taraxasterol*, germanicol.
4. Kiểm nghiệm
Ðặc điểm dược liệu
Ðoạn thân dài 3-5cm tròn, thẳng, lõi xốp, đường kính 0,5-2cm. Lá khô thành dải dài, cong queo, màu xanh xám vị hơi đắng (Vị thuốc Bồ công anh).
Ðặc điểm vi phẫu
Vi phẫu lá
Phần gân lá: phía trên lồi ít, phía dưới lồi nhiều. Biểu bì gồm 1 lớp tế bào hình trứng, tế bào biểu bì trên có kích thước nhỏ hơn tế bào biểu bì dưới, không có lông che chở. Ðám mô dày nằm sát lớp biểu bì trên và biểu bì dưới, tế bào mô dày có thành dày ở góc. Mô mềm cấu tạo bởi những tế bào tròn hoặc đa giác, thành mỏng, xếp sít nhau, giữa các tế bào không có khuyết nhỏ, chỉ có một khuyết to ở giữa gân lá. Các bó libe-gỗ kích thước không đều, xếp rời nhau và xen kẽ bó to với bó nhỏ theo hình chữ V. Các bó libe-gỗ đều quay gỗ lên trên và về phía trong.
Phần phiến lá: Biểu bì gồm 1 lớp tế bào có kích thước lớn hơn so với tế bào biểu bì ở gân lá. Biểu bì dưới mang lỗ khí. Mô giậu gồm 1-2 hàng tế bào thành mỏng, hình chữ nhật, xếp vuông góc với biểu bì trên. Mô khuyết cấu tạo từ những tế bào thành mỏng để hở những khuyết to nhỏ không đều.
Ðặc điểm bột dược liệu
Bột màu lục xám, vị ngọt hơi đắng, không mùi. Soi kính hiển vi thấy: Bó sợi có sợi thành hơi dày, khoang rộng, thường có các mấu lồi rất đặc biệt (1). Mảnh biểu bì lá gồm các tế bào có thành hơi ngoằn ngoèo, mang lỗ khí (2). Lỗ khí (3). Mảnh mạch điểm, mạch vạch, mạch xoắn (4). Mảnh biểu bì thân gồm các tế bào hình chữ nhật, thành mỏng, mảnh mô mềm gồm các tế bào hình tròn hay đa giác, thành mỏng (Một số đặc điểm bột Bồ công anh).
Ðịnh tính hoá học:
A. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại, bột dược liệu phát quang màu xanh.
B. Cho bột dược liệu vào túi giấy lọc, đưa vào bình Soxhlet, chiết bằng ether dầu hỏa đến khi dịch chiết không còn màu xanh. Lấy bã ra để bay hơi cho hết ether dầu hỏa.
Cho bã vào bình nón, thêm ethanol 90%, đun cách thủy 30 phút, lọc nóng. Lấy chừng 10 ml dịch chiết làm các phản ứng:
Nhỏ 1 giọt dịch chiết lên tờ giấy lọc, để khô, rồi hơ lên miệng lọ có chứa amoni hydroxyd đậm đặc, màu vàng sẽ tăng lên.
Cho dịch chiết vào ống nghiệm, thêm một ít bột magnesi và 3-4 giọt acid hydrocloric đậm đặc, đun nhẹ, dung dịch xuất hiện màu hồng nhạt.
Cho dịch chiết vào ống nghiệm, thêm 3 – 4 giọt thuốc thử Diazo mới pha (TT), đun sôi 5 phút, dung dịch xuất hiện màu đỏ nâu.
Rễ Bồ công anh
Hình dạng bên ngoài
Rễ cây Bồ công anh có hình trụ đầu trên phình to. Mặt ngoài có màu trắng ngà mang nhiều rễ phụ (Rễ cây Bồ công anh). Mặt cắt ngang có tầng phát sinh libe-gỗ tròn liên tục thành vòng. Bó gỗ sắp xếp theo tia toả ra.
Ðặc điểm vi phẫu
Mặt cắt có hình tròn. Từ ngoài vào trong có: Lớp bần gồm 1-2 hàng tế bào hình chữ nhật xếp thành hàng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Mô mềm vỏ cấu tạo từ các tế bào thành mỏng nhiều hình dạng xếp lộn xộn. Lớp tế bào sinh bì rõ tạo thành vòng liên tục. Bó libe-gỗ xếp theo tia toả ra từ tâm, libe có hình tháp ở ngoài, gỗ xếp thành hàng đều đặn ở trong. Tầng phát sinh libe-gỗ không liên tục. Tia ruột rộng mỗi tia gồm nhiều hàng tế bào có thành mỏng xếp theo hướng xuyên tâm từ gần trung tâm xen kẽ các bó libe-gỗ (Vi phẫu rễ Bồ công anh).
Ðặc điểm bột rễ
Bột rễ có màu vàng, không mùi, vị đắng chát. Soi trên kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm mang ống nhựa mủ màu vàng (1). Nhiều mảnh mạch chủ yếu là mạch vạch (2), mạch xoắn, ít khi mạch điểm. Inulin (3) là những khối hình cầu, thường bị vỡ thành những khối hình quạt. Các hạt tinh bột (4) có hình dạng khác nhau, thường có hình tròn nằm riêng lẻ, kích thước khoảng 0,035-0,04mm, có khi tập trung thành đám. Có? hạt tinh bột kép đôi, kép 3. Có thể gặp sợi có thành dày, những mảnh bần (Một số đặc điểm bột rễ Bồ công anh).
Rễ cây Bồ công anh có hình dáng bên ngoài giống Nhân sâm nhưng vi phẫu rễ có tầng sinh bì tạo thành vòng, không có ống dẫn, không có tinh thể calci oxalat nên có thể phân biệt rễ cây Bồ công anh với Nhân sâm bằng cách soi vi phẫu và bột
5. Tác dụng và công dụng
Lá Bồ công anh thường dùng theo kinh nghiệm nhân dân để chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt mưng mủ.
6. Ghi chú
Một số địa phương ở miền Nam nước ta gọi cây Chỉ thiên (Elephantopus scaber L.), họ Cúc (Asteraceae) là Bồ công anh. Chú ý tránh nhầm lẫn.
Ở Trung Quốc có sử dụng rễ cây Lactuca indica L. dưới các tên gọi: Thổ lực sâm, Thổ nhân sâm, Nhân sâm, Viên sâm, Sơn du cự…
Cây Bồ công anh (Lactuca indica L.) có tên khác là Rau bồ cóc, Diếp dại, Diếp trời, Mũi mác, còn được gọi là cây Bồ công anh Việt Nam để phân biệt với cây Bồ công anh thấp (Bồ công anh Trung Quốc - Taraxacum officinale Wigg), họ Cúc (Asteraceae)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét