Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Thạch Hộc

( Herba Dendrobii)
Thạch Hộc là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Thạch Hộc ( Caulis Dendrobii) là thân phơi hay sấy khô của nhiều loại nhiều loại Thạch hộc như Hoàng thảo thạch hộc ( Dendrobium loddgesii), Hoàng thảo Thạch hộc ( Dendrobium candidum Wall ex Lindi.), Kim thoa thạch hộc ( Dendrobium nobile Lindi), v..v.
Cây thuốc trên nhỏ dưới to, giống như cái hộc, mọc ở núi đá nên có tên Thạch hộc. Ở nước ta, câyThạch Hộc mọc nhiều ở miền Bắc và miền Trung.
Tính vị qui kinh:
Vị ngọt tính hàn, qui kinh Vị và Thận.
Theo các sách thuốc cổ:
  • Sách Bản kinh: vị ngọt bình.
  • Sách Trấn nam bản thảo: tính bình, vị ngọt nhạt.
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: vị đắng tính lương.
Về qui kinh:
  • Sách Bản thảo cương mục: túc thái âm tỳ, túc thiếu âm hữu thận.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc dương minh, thiếu âm, thủ thiếu âm.
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập 3 kinh Phế Thận Vị.
Thành phần chủ yếu:
Herba Dendrobii - dendrobine, dendranine, nobilonine, dendroxine, dendrin, 6-hydroxy-dendroxine.
Tác dụng dược lý:
  1. Có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau nhẹ ( trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược, nhà xuất bản Khoa học 1965, trang 129).
  2. Trên súc vật thực nghiệm, nước sắc cho uống làm tăng tiết dịch vị, trợ tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột và thông tiện, nhưng liều cao thì tác dụng ngược lại làm tê liệt cơ ruột. Nồng độ thuốc thấp có tác dụng hưng phấn tá tràng cô lập của thỏ, nồng độ cao thì có tác dụng ức chế.
  3. Trên súc vật thực nghiệm, Thạch hộc có tác dụng làm tăng đường huyết ở mức độ trung bình, lượng cao Thạch hộc có thể ức chế hô hấp, tim, hạ huyết áp.
Theo các Y văn cổ:
  • Sách Bản kinh: " chủ thương trung, trừ tý hạ khí, bổ ngũ tạng hư lao, gầy yếu cường âm".
  • Sách Danh y biệt lục: " ích khí, bình vị khí, trưởng cơ nhục, trục nhiệt tà ở bì phu, chân gối lạnh đau, tê yếu, định chí trừ kinh".
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " chủ trị phế nhiệt cửu hư, khái thấu bất chỉ ( ho lâu khó cầm).
  • Sách Bản thảo bị yếu: " trị di mộng tinh, hoạt tinh".
  • Sách Bản thảo tái tân: " thanh vị nhiệt, trừ tâm trung phiền khát, trị thận kinh hư nhiệt, an thần định kinh".
Ứng dụng lâm sàng:
1.Dùng chữa bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục, thuốc có tác dụng dưỡng vị giải nhiệt: phối hợp với Sinh địa, Huyền sâm, Sa sâm . dùng bài:
  • Thạch Hộc thang ( Chứng trị chuẩn thằng): Thạch hộc thang, Mạch môn ( bỏ lõi), Sinh địa, Viễn chí, Phục linh, Huyền sâm, mỗi thứ 40g, Chích Cam thảo 20g, tán bột, mỗi lần 16g, thêm Gừng tươi 5 lát, sắc uống.
  • Trường hợp sốt khát nước, mồm khô, có thể dùng Thạch hộc 8 - 16g, sắc uống giải khát, nếu sốt cao kết hợp với Thạch cao, Tri mẫu, dùng tốt.
2.Trị chứng vị nhiệt ( thường có lở lóet mồm), kèm ăn vào dễ nôn, nôn khan.( trường hợp viêm dạ dày mạn): dùng bài:
  • Thanh vị dưỡng âm thang: Thạch hộc 12g, Bắc Sa sâm 16g, Mạch môn, Hoa phấn, Bạch biển đậu, Trúc nhự tươi mỗi thứ 12g, Giá đậu tươi ( mầm đậu sống) 16g, sắc uống.
3.Trị khát phương:
  • Thạch hộc 12g, Thiên hoa phấn 24g, Tri mẫu 16g, Mạch môn 12g, Bắc sa sâm 20g, Sinh địa 20g, Xuyên liên 4g, sắc uống.
4.Một số bài thuốc kinh nghiệm có Thạch hộc:
  • Thuốc trị ho đầy hơi: Thạch Hộc 6g, Mạch môn đông 4g, Trắc bá diệp 4g, Trần bì 4g, nước 300ml, sắc còn 200ml, uống trong ngày.
  • Thuốc trị chứng hư lao gầy mòn: Thạch hộc 6g, Mạch môn 4g, Ngũ vị tử, Đảng sâm, Chích Cam thảo, Câu kỷ tử, Ngưu tất, Đỗ trọng mỗi thứ 4g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Liều lượng và cách dùng:
  • Liều 6 - 15g, tươi dùng liều 15 - 30g, dùng thuốc thang nên cho vào trước.
  • Thuốc tươi thanh nhiệt sinh tân mạnh.
  • Không dùng trong trường hợp thấp thịnh hư hàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét