Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Viễn thị có nguy hiểm không?

Viễn thị là một tật khúc xạ tương đối phổ biến ở trẻ em.
Tật khúc xạ này thông thường là do trục nhãn cầu ngắn hơn giới hạn bình thường. Người bị viễn thị nặng sẽ nhìn mờ ở cả khoảng cách gần và khoảng cách xa.
Viễn thị - mat304.com
2. Nguyên nhân:
Nguyên nhân của viễn thị là trục của nhãn cầu ngắn.
Ở trẻ em mới sinh gần như tất cả mắt đều viễn thị từ 2 đến 3 độ. Khi trẻ lớn lên, chiều dài mắt sẽ lớn dần ra và mắt sẽ hết viễn thị khi tới tuổi trưởng thành. Một số người sự phát triển này không trọn vẹn gây ra viễn thị.
Ngoài ra viễn thị còn do các nguyên khác như: độ cong của giác mạc giảm, chỉ số khúc xạ của thủy tinh thể giảm.
3. Triệu chứng:
Người bị viễn thị, nhìn xa và nhìn gần đều không rõ, mắt luôn luôn mỏi và nhức.
Đối với trẻ 2 – 3 tuổi, đó là viễn thị sinh lý không gây triệu chứng gì khó chịu.
Ở tuổi đi học, trẻ thường hay nhức đầu, nhức mắt sau buổi học, thường đọc sách ở cự ly rất gần do co quắp điều tiết, mắt thường bị đỏ.
Ở người lớn, lúc đầu sẽ gặp khó khăn khi nhìn gần, đọc sách sẽ mau mỏi mắt, nhức mắt, nhức vùng cung mày, khi nhìn xa vẫn thấy rõ nhưng thường phải nheo mắt, nhăn trán. Sau một thời gian nhìn xa cũng thấy mờ.
Viễn thị - mat304.com
4. Biến chứng:
Biến chứng thường gặp nhất của viễn thị là lé và nhược thị.
Các trẻ có viễn thị đáng kể thì thường có nguy cơ tiến triển thành lé sau 4 tuổi.
Những trẻ em viễn thị nặng, nếu không được điều chỉnh kính kịp thời sẽ dẫn đến nhược thị, khi đó mắt không thấy được gì và cũng không điều trị được. Do đó nhược thị là 1 biến chứng nguy hiểm của viễn thị, trẻ cần được khám mắt sớm.
5. Điều trị:
Hai phương pháp điều trị viễn thị thông thường nhất đó là mang kính gọng hoặc kính tiếp xúc.
Ngày nay phẫu thuật khúc xạ cũng là 1 phương pháp điều trị viễn thị được nhiều người lựa chọn.

Tật khúc xạ và cách chăm sóc mắt



Tật khúc xạ gồm 3 loại : cận thị, viễn thị , loạn thị. Cận thị là trường hợp ta nhìn xa mờ, nhìn gần rõ, thường gặp ở tuổi học đường. Viễn thị có 2 dạng: viễn thị nhẹ thì nhìn xa rõ, nhìn gần mờ; viễn thị nặng thì nhìn cả xa lẫn gần đều mờ. Loạn thị là trường hợp ta luôn nhìn mờ cả xa lẫn gần kèm theo nhìn hình ảnh biến dạng (nhìn đường thẳng thấy không thẳng, nhìn hình tròn thành hình bầu dục hoặc méo mó không đều). Loạn thị thường đi kèm với cận thị hoặc viễn thị. Những dấu hiệu báo động có thể bị tật khúc xạ: xem tivi hay cái gì thì phải lại gần mới thấy, nhìn xa hay gần không rõ, nhìn hình ảnh biến dạng, hay nheo mắt khi nhìn, kết quả học tập, lao động giảm sút, hay dụi mắt khi nhìn, hay mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ khi đọc sách hay học tập, hay nghiêng đầu khi nhìn, lé mắt...
Khi nghi ngờ hoặc bị tật khúc xạ cần đến những cơ sở chuyên khoa để được phát hiện và đo chỉnh kính. Nếu bị tật khúc xạ nên đeo kính đúng độ, tái khám sau 06 tháng. Đối với trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành cách duy nhất để điều chỉnh tật khúc xạ là đeo kính gọng . Đối với trẻ lớn hoặc người lớn, ngoài đeo kính gọng còn có thể đeo kính sát tròng. Đối với người lớn trên 18 tuổi có thể phẫu thuật laser điều trị tật khúc xạ khi khúc xạ ổn định.
Ngoài ra cần biết cách chăm sóc mắt giữ gìn đôi mắt :
-   Đảm bảo nơi học tập và làm việc đầy đủ ánh sáng: ánh sáng dùng làm việc thường có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng. Không nên chỉ dùng 1 đèn để đọc sách trong phòng tối. Nếu học ban đêm, ngoài ánh sáng phòng ta cần đèn bàn , đèn phải có chụp phản chiếu. Chúng ta nên sử dụng kết hợp đèn điện bóng tròn và đèn ống. Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách, học và làm bài là chiếu sáng từ sau, từ trên xuống, nghịch với bên tay thuận.
-     Kích thước của bàn, ghế : phải phù hợp với chiều cao của từng người để có thể nhìn đúng khoảng cách từ mắt đến tập, sách và không phải cúi đầu nhiều.
-         Tư thế ngồi đúng : ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại, 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10 độ – 15 độ, không được cúi gầm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học, luôn để mắt xa sách vở 1 khoảng cách thích hợp. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách gần là khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái hoặc ngón trỏ cong lại đến cùi chỏ (trung bình khoảng 35cm).
-         Giảm mọi căng thẳng của mắt : không sử dụng mắt quá lâu, nhất là học sinh cấp 1 và những em thị lực kém. Hạn chế thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử, vi tính… Không đọc sách truyện có chữ quá nhỏ hay mờ, hình ảnh lem nhem . Mỗi 20 phút làm việc gần chúng ta nhìn ra xa 1 khoảng cách 6m trong thời gian khoảng 3-5 phút. Không làm bất cứ việc gì phải huy động thị giác gần quá 45 phút. Nên xem tivi ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng màn hình tivi (ví dụ đối với tivi 21 inch nên ngồi cách xa màn hình 3,5m). Chúng ta nên ngồi thẳng khi xem tivi, nên có chiếu sáng trong phòng, nhưng tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp màn hình. Đối với trẻ em nên giới hạn việc xem tivi khoảng 1 đến vài giờ/ngày. Nếu ta có tật khúc xạ thì nên đeo kính khi xem tivi.
-         Ăn uống đầy đủ chất và hoạt động thể lực: nên ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A như gan , trứng, các loại rau có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ…và các loại rau có màu xanh đậm, tham gia hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi.
Tóm lại, tật khúc xạ cần được phát hiện sớm, đeo kính đúng và sớm để tránh nhược thị, lé cho trẻ. Đối với loạn thị, đeo kính thường xuyên giúp mắt nhìn thấy rõ và đỡ mệt mỏi, nhất là các công việc cần nhìn gần như đọc sách. Các tật khúc xạ nặng và kèm theo lé nên đeo kính thường xuyên vì không những điều chỉnh được tật khúc xạ mà còn điều chỉnh cả lé nữa. Định kỳ mỗi 6 tháng nên kiểm tra lại độ kính. Tùy theo từng trường hợp mà các bác sĩ chuyên khoa hoặc các kỹ thuật viên khúc xạ sẽ có những hướng dẫn cụ thể.