Acid uric là một sản phẩm từ quá trình chuyển hóa purin
trong cơ thể. Đối với hầu hết mọi người, acid uric có lợi vì nó hoạt động như một
chất chống ôxy hoá và duy trì sức khoẻ của mạch máu.
Nhưng khi thận suy yếu, acid uric dư thừa có thể tồn tại
trong cơ thể và lưu thông trong máu, mức acid uric trong máu tăng gây ra một dạng
viêm khớp được gọi là bệnh gút. Để kiểm soát acid uric, dưới đây là một danh
sách các thay đổi chế độ ăn uống khuyến cáo được thực hiện.
Những thực phẩm cần bổ sung
Tăng kali trong chế độ ăn uống: Kali có chứa citrate có khả
năng vô hiệu hóa acid uric và cản trở sự hình thành tinh thể urate. Những tinh
thể urate tập hợp xung quanh khớp có thể gây ra đau khớp dữ dội. Chuối được biết
đến là một trong những nguồn kali tốt nhất. Bơ, cam và dưa hấu đều chứa lượng
kali và có các chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Cũng nên thêm nhiều rau quả
vào chế độ ăn uống của bạn như đậu, bí, cà rốt, khoai tây và atisô.
Cần uống nhiều nước hơn: Nước rất cần thiết để giữ thận hoạt
động tốt. Nước giúp làm sạch hệ thống tiêu hóa nhanh hơn và làm giảm lượng acid
uric sinh ra. Nước cũng giúp giải độc cho cơ thể. Để tránh lượng acid uric dư
thừa, phải uống 10 đến 12 ly nước lọc mỗi ngày. Nếu không thích uống quá nhiều nước lọc, bạn có
thể thay thế bằng vài ly nước quả ép bao gồm dưa chuột, dưa hấu, cam, dâu tây,
xoài, kiwi nước cam, chanh.
Thêm thực phẩm giàu quercetin: Chất quercetin chống ôxy hóa
có tác dụng làm giảm viêm do nồng độ acid uric cao gây ra. Những người bị đau dạ
dày hoặc có các triệu chứng khác do nồng độ acid cao có thể cân nhắc việc tăng
các loại thực phẩm chứa quercetin. Quercetin dễ hấp thu vào cơ thể và có thể
tìm thấy trong một số thực phẩm hàng ngày bao gồm táo, trà xanh và trà đen,
hành, tỏi, cải bắp, bông cải xanh và rau lá xanh đậm. Ngoài ra, bạn có thể chọn
dùng bổ sung quercetin với khuyến cáo là 250mg, tối đa bốn lần mỗi ngày.
Nên tránh ăn gì?
Thực phẩm giàu purine: Purine nhiều trong cơ thể làm tăng sản
xuất acid uric. Nếu nồng độ acid uric của bạn tăng lên, bạn cần phải tránh những
thức ăn giàu chất purine. Chủ yếu bao gồm các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt bê
và các loại lục phủ ngũ tạng của động vật. Một số loại rau cũng có nhiều chất
purine như nấm, đậu Hà Lan, măng tây, súp lơ và rau bina. Cuối cùng, tránh các
loại hải sản như sò điệp, cá mòi, cá hồi, trứng cá, cá thu và cá cơm.
Rượu: Uống rượu sẽ góp phần làm mất nước, khiến cơ thể khó
bài tiết acid uric. Đồ uống có cồn cũng là một nguồn purine khiến cơ thể sản
sinh ra nhiều acid uric hơn và góp phần gây ra cơn gút cấp.
Nước chứa fructose nhân tạo: Nước ép trái cây đóng sẵn, nước
ngọt và nhiều đồ uống có hương vị khác sử dụng chất làm ngọt fructose nhân tạo.
Cơ thể tăng cường phá vỡ và giảm mức fructose nhân tạo có thể dẫn đến sản xuất
quá nhiều acid uric.
Dùng nhiều muối: Quá nhiều natri từ muối không bao giờ tốt
cho cơ thể, làm tăng huyết áp và mức acid uric. Tăng cường dùng các thực phẩm
có natri thấp và tránh thêm natri dưới dạng muối ăn vào bữa ăn của bạn.
Thực phẩm chiên xào: Dầu chiên xào bị ôxy hóa là không tốt đối
với hệ thống tiêu hóa và có nhiều chất béo chuyển hóa trong thức ăn chiên của bạn.
Cố gắng dùng thức ăn tươi tại nhà thay vì mua các món đồ làm sẵn mà thường đã
được chiên.
Carbohydrate tinh chế: Để kiểm soát acid uric, bạn cần giảm thực
phẩm tinh bột tinh chế. Cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành đường để cung cấp
năng lượng. Một số carbohydrate tinh chế có thể góp phần làm tăng acid uric, có
thể dẫn đến tình trạng kháng insulin và kết quả làm tăng đường máu và béo phì.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, một số loại thuốc sẽ được bác sĩ
kê đơn để ngăn chặn sự sản xuất và đào thải acid uric. Tuy nhiên, tác dụng phụ
đối với tất cả các thuốc điều trị giảm acid uric có thể bao gồm nguy cơ tạo sỏi
thận, đau dạ dày, phát ban và buồn nôn.