Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

photo

Cyperus rotundus, Coco grass, Nut grass ....Cỏ cú, cây Củ Gấu, cỏ Hương Phụ ,,,,#3

Vietnamese named : cỏ Gấu, cỏ Cú, cỏ Hương Phụ
English names : Coco-grass, Nut grass, Purple Nut grass
Scientist name : Cyperus rotundus
Synonyms :
Family : Cyperaceae . Họ Cói
CỎ CÚ: cây thuốc đa dụng rất dễ tìm
Dược Sĩ Trần Việt Hưng
tvvn.org/forum/showwiki.php
Có rất nhiều loại cỏ được xem là loài hoang dại cần nhổ bỏ nơi những vườn hoa, công viên..nhưng lại là những nguồn dược liệu quý giá cần được nuôi trồng như cỏ tranh, cỏ cú, cỏ mực..
Cỏ cú, còn gọi là Củ gấu hay văn hoa hơn là Hương Phụ, Tam Lăng, là một trong những cây cỏ quý rất đáng chú ý.
Cỏ Cú, tên khoa học, Cyperus rotondus, thuộc họ thực vật Cyperaceae, là một loài cỏ dại mọc rất phổ biến tại các quốc gia nhiệt đới từ Ấn Độ, Trung Hoa qua Việt Nam đến cả những quốc gia hải đảo như Nhật, Indonesia. Tại Việt Nam, cây mọc dại trong vườn, trên mương, bãi cỏ, bãi cát, có thể sống cả trên đất nước lợ và nước mặn. Tại Hoa Kỳ cây được gọi là Nut-grass, Sedge weed hay Cyperus.
Cỏ cú thuộc loại cây đa niên, thân rễ nhỏ và dài nằm dưới đất, hình chỉ, thân có từng đoạn phình thành củ cứng từ đó mọc lên thân chồi khỏi mặt đất. Thân có thể cao 10-60 cm, hình tam giác (do đó có tên là Tam lăng). Lá dài bằng thân có thể đến 20 cm, mọc ở gốc, màu xanh xậm. Hoa mọc thành cụm đơn hay kép tạo thành tán ở ngọn thân. Quả thuộc loại bế quả có 3 cạnh, mảu vàng khi chín đổi sang đen nhạt. Cây trổ hoa, ra quả từ mùa hè sang mùa đông.
Thành phần hóa học:
Cỏ cú chứa:
- Tinh dầu dễ bay hơi: Chưng cất bằng hơi nước thân và củ rễ lấy được 0.5-0.9 % tinh dầu gồm phần chính là các hydrocarbon loại sesquiterpene (25%), epoxides (12%), ketones (20%) và các alcohol loại monoterpene và aliphatic (25%) bao gồm isocyperol, cyperone rotundines A-C, cyperene, cyperol, cyperlolone-cyperrotundone, rotundene, beta-selinene, patchoulenone, isopatchoula-3,5-diene, cary ophyllene-6,7 oxide, caryophyllene-alpha-oxide.. và nhiều monoter penes thông thường khác như cineole, limonene và camphene.
- Các triterpenes: Beta-sitosterol, oleanic acid và các chất khác.
- Các acid hữu cơ: p-hydroxybenzoic, lauric, linoleic, myristic, oleic, palmitic, stearic acid.
- Các chất như: Flavonoids,
- Các đường hữu cơ: Fructose, Glucose, Sucrose, Galactose..
- Các khoáng chất: Sắt, Phosphorus, Manganese, Magnesium..
Đặc tính Dược học:
1- Tác dụng chống nôn:
Dung dịch trich từ Rễ bằng ethanol có tác dụng chống nôn mửa nơi chó do ở hoạt tính đối kháng phản ứng tạo nôn mửa gây ra bởi apomorphine (Indian Journal of Medical Research Số 58-1970).
2- Hoạt tính kháng viêm và hạ nhiệt :
Dịch chiết từ Rễ Cò cú bằng những dung môi hữu cơ có tác dụng chống sưng rất rõ đối với phản ứng phù tạo ra do carageenan nơi chuột bạch tạng dịch chiết bằng petroleum ether ức chế được 75%, chloroform 60.6 %, methanol 57.7 % ở liều 10 mg/kg, so sánh với hydrocortisone ức chế được 57.7 %. Dịch chiết bằng alcohol từ thân có tác dụng hạ nhiệt, có thể so sánh với sodium salicylate ( trong thử nghiệm gây tăng thân nhiệt bằng men) (Planta medica Số 39-1980). Các hoạt tính này được cho là do ở beta sitosterol trong cây.
3-Tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét:
Peroxycalamenene, một sesquiterpene loại endoperoxyde, ly trích từ thân cỏ cú có tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét ở nồng độ EC50 2.33X10-6M (Phytochemistry Số 40-1995)
Các dịch chiết từ thân Cỏ cú bằng dichloromethane, petroleum ether và methanol cho thấy tác dụng chống Plasmodium falciparum chủng K1. Liều IC50 là 5-9 g/ml cho dịch chiết bằng dichloromethane, và 10-49 g/ ml cho petroleum ether hay methanol
4- Tác dụng chống béo phì:
Trong một thử nghiệm trên 30 người mập phì cho dùng bột tán từ thân Cỏ cú trong 90 ngày : Kết quả ghi nhận có sự giảm cân cùng với giảm cholesterol và triglycerides trong máu (Indian Medicine Số 4-1992).
5- Khả năng bảo vệ tế bào:
Nước sắc từ Rễ Cỏ cú đã được đánh giá về khả năng chống lại các tác hại gây ra nơi bao tử do ethanol: Dịch chiết, cho uống bằng những liều 1.25, 2.5 và 4 gram bột rể thô/ kg cho thấy có tác dụng chống u loét, tác dụng này tùy theo liều thuốc sử dụng. Hoạt tính bảo vệ có liên hệ đến việc ức chế bài tiết dịch vị và các chất prostaglandins nội sinh (Phytotherapy Research Số 11-1997).
6-Tác dụng trên các sắc tố:
Dịch chiết bằng methanol, sau khi được thăng hoa, có tác dụng kích thích sự sinh sản các tế bào mang sắc tố (melanocytes), giúp giải thích việc sử dụng Cỏ cú trong các sản phẩm làm đen tóc, thoa da.
7- Hoạt tính kháng sinh và chống nấm:
Dầu Cỏ cú ức chế sự tăng trưởng của Staphylococcus aureus, nhưng không tác dụng trên E.coli, E.typhosum, Vibrio cholerae và vài chủng Shigella. Trong số các phần chiết : cyperone hầu như không tác dụng, trong khi đó các phần hydrocarbon cyperene I và II tác động mạnh hơn là dầu và cyperol. (Current Science Số 4-1956)
Dịch chiết Cỏ cú có khả năng ức chế 100% các loại nấm Sclerotinia scle rotiorum, Phytophthora capsici và Colletotrichum chardoniacum, ức chế 44% trên Aspergillus niger. Dịch chiết bằng alcohol chống được các nấm Trichophyton rubrum, Epidermophyton floccosum và Microsporum gypseum.
8- Tác dụng trên Huyết áp-Tim mạch:
Dịch chiết bằng nước và alcohol gây hạ huyết áp rõ rệt nơi chó và mèo. Khi chích dưới da dịch chiết bằng nước vào ếch thử nghiệm đưa đến tim ngưng đập ở kỳ tâm thu ; chích tĩnh mạch cho ếch, mèo và thỏ gây ra sự giãn nở động mạch vành.
9- Tác dụng trên cơ trơn:
Dịch chiết bằng nước có tác dụng ức chế sự co thắt, làm thư giãn bắp thịt tử cung nơi phụ nữ bình thường và phụ nữ có thai, đồng thởi làm giảm đau.
Cỏ Cú trong Dược học dân gian:
Cỏ Cú là một vị thuốc khá phổ biến trong dược học dân gian tại rất nhiều nơi trên thế giới:
1- Tại Việt Nam:
Cỏ Cú được xem là một vị thuốc ‘Lý khí, giải uất, dùng ‘điều kinh, giảm đau’ với những chủ trị:
- Đau bao tử do thần kinh, sình bụng, đầy tức hông, ngực, nôn mửa, ợ chua.
- Kinh nguyệt không đều, thống kinh.
- Chấn thương do té ngã; lở độc, sưng nhọt.
Cách dùng thông thường: Dùng sắc uống cỏ khô mỗi ngày 6-12 gram hay đâm nhuyễn cỏ tươi đắp ngoài nơi chỗ sưng..Dùng tươi để giải cảm. Sao đen để cầm máu, trị rong kinh.
2- Tại Thái Lan:
Cỏ Cú được gọi là Yaa haew muu; Rễ được dùng lợi tiểu, hạ nhiệt và kiện vị. Chùm rễ (Căn hành) làm thuốc giúp đổ mồ hôi, giải nhiệt, trợ tiêu hóa, chống sưng. Nước sắc từ chùm rễ được uống thay trà để trị đau bao tử, có khi uống chung với mật ong.
3- Tại Ấn Độ:
Cây được gọi là Motha (Phạn ngữ là Mustak) : Thân và Rễ dùng chữa các bệnh về bụng nhất là loét bao tử, tiêu chẩy, ăn không tiêu ; cũng dùng để lợi tiểu, trị đau và cả bặt kinh lẫn kinh nguyệt không đều. Dùng trị bệnh ngoài da, bò cạp cắn, sưng và phù trướng.
Cỏ cú trong Đông Y:
Đông Y cổ truyền dùng rễ chùm (rhizome) cùa Cỏ cú để làm thuốc: Vị thuốc được gọi là Hương phụ (Xiang fu), Dược liệu trồng tại các tỉnh Sơn đông, Hồ Nam, Triết giang.. được thu hoạch vào mùa thu và phơi khô. Nhật dược gọi là Kobushi và Triều tiên gọi là Hyangbu.
Hương phụ được xem là có vị cay, hơi đắng, hơi ngọt; tính bình và tác động vào các kinh mạch thuộc Can và Tam tiêu: ‘hành khiếu, khai uất, thông kinh, tiêu sưng, giảm đau’.
Hương phụ có những đặc tính
:
Điều hòa và Phân tán đều ‘Can Khi': giúp trị các chứng ‘Can Khí’ bị ứ tắc gây đau nơi thượng vị và căng cứng vùng hạ vị. Tính ‘bình’ của vị thuốc cùng với khả năng phân tán và điều hòa khiến thuốc được sử dụng khá phổ biến:
Để trị đau, tức ngực và vùng hông , Hương phụ được dùng phối hợp với Sài hồ (Chai-hu=Radix Bupleuri) và Bạch thược (Bai shao = Radix Paeoniae Lactiflorae)
Để trị đau vùng thượng vị và bụng dưới, ăn không tiêu, ói mửa , tiêu chảy do Khí tắc tại Can và Tỳ, Hương phụ được dùng chung với Mộc hương (Mu xiang=Radix Aucklandiae Lappae) và Phật thủ (Fo-shou= Fructus Citri Sarcodactylis).
Để trị đau, căng tức, trì trệ nơi bụng dưới do Hàn và Khí tắc tại Can, Thận: Dùng Hương phụ với Ô dược (Wu yao=Radix Linderae Strychnifoliae) và Tiểu hồi hương (Xiao hui xiang=Fructus Foeniculi Vulgaris).
Hương phụ dùng chung với Khương truật (Cang zhu= Rhizoma Atractylodis) để trị ăn không tiêu, đau, tức bên hông và bụng dưới, ói mửa, ợ chua..
Điều hòa Kinh nguyệt, Chỉ thống: dùng để điều hành sự di chuyển của Can Khí trong các bệnh Phụ khoa như Bặt kinh, Kinh không đều thường phối hợp với Đương quy (Dang gui=Radix Angelicae Sinensis) và Xuyên khung (Chuan xiong=Radix Lingustici Chuan xiong).
Liều dùng: 4.5-12 gram. Khi sao với giấm, thuốc sẽ tăng thêm khả năng đi vảo kinh mạch thuộc Can và tác dụng giảm đau gia tăng. Khi tẩm và sao với rượu trắng, thuốc tăng khả năng vào các kinh mạch.
Cách thức sao tẩm Hương phụ được cho là sẽ thay đổi tích chất trị liệu: Vị thuốc sống dùng khi chữ bệnh nơi hông, ngực và để giải cảm; Sao đen có tác dụng cầm máu, dùng trong trường hợp rong kinh. Tẩm nước muối, rồi sao cho bớt ráo, dùng chữa bệnh vể huyết. Tẩm nước tiểu trẻ em rồi sao để giáng Hòa Khí có chứng bốc nóng. Tẩm giấm sao để tiêu tích tụ, chữa huyết ứ, u báng.Tẩm rượu sao để tiêu đờm, chữa khí trệ. Hương phụ Tứ chế (tẩm cả 4 thứ rồi sao) dùng chữa các bệnh Phụ khoa ở cả hai dạng Hàn và Nhiệt.
**** THUỐC ĐÔNG DƯỢC
thuocdongduoc.vn/index.php?option=com_content&view=ar...
**** TUỆ TĨNH ĐƯỜNG LIÊN HOA HUẾ
tuetinhlienhoa.com.vn/cms/article/duochoc/vanh/1140/
photo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét