Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Tại sao virus corona không 'sống' nhưng rất khó tiêu diệt?


Sau nhiều tỷ năm tiến hóa, các loại virus học được cách “tồn tại dù không có sự sống” - chiến lược hiệu quả đáng sợ khiến chúng trường tồn, không ngừng đe dọa loài người.
Virus SARS-CoV-2 chết người đã khiến cuộc sống toàn cầu bị đình trệ chỉ là một cụm vật chất di truyền, bao quanh là các protein hình gai nhô ra có bề dày 1/1000 sợi lông mày, trông giống như vương miện (vì vậy có tên “corona”, có nghĩa vương miện).
Chúng như những thây ma vật vờ (zombie), gần như không có dấu hiệu của sinh vật sống. Nhưng ngay khi chúng đi vào đường thở của con người, virus lại kích hoạt, tấn công tế bào, nhân ra hàng triệu bản.
Cách thức hoạt động của SARS-CoV-2 có thể được coi là “thiên tài”, theo bình luận của Washington Post: xâm nhập vào cơ thể người và trước khi con người có triệu chứng thì chúng đã sinh sôi nhanh chóng và lây sang người khác.
Chúng gây hại, tàn phá phổi, gây tử vong ở một số bệnh nhân, nhưng chỉ gây triệu chứng nhẹ ở những người khác, vì vậy chúng luôn có thể lan rộng.
Các nhà nghiên cứu đang chạy đua tìm cách chế thuốc chữa và vắcxin phòng bệnh, nhưng họ đứng trước một loài virus đáng gờm.
Tai sao virus corona khong 'song' nhung rat kho tieu diet? hinh anh 1 imrs_Wuhan_AFP.jpg
Các y bác sĩ chăm sóc cho một bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Ở ngoài “giả chết”, vào cơ thể người lại kích hoạt

Virus đường hô hấp thường xâm nhập, sinh sôi ở hai nơi trong cơ thể. Hoặc là ở mũi và họng, nơi chúng lây mạnh hơn, hoặc là ở phần dưới của phổi, nơi chúng sẽ khó lây lan nhưng lại dễ gây tử vong.
Nhưng virus corona chủng mới SARS-CoV-2 lại như hai loại trên gộp lại. Chúng sống ở phần trên của đường hô hấp, để từ đó lây dễ dàng cho nạn nhân tiếp theo sau mỗi tiếng ho, hắt hơi. Nhưng ở một số bệnh nhân, virus mới có thể đi sâu xuống phổi, dẫn đến tử vong.
Như vậy, SARS-CoV-2 có cả khả năng lây lan của cúm thông thường lẫn sự chết chóc của “họ hàng” nó là SARS, vốn gây dịch bệnh ở châu Á năm 2002-2003.
Nhưng khác với SARS, SARS-CoV-2 có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Đổi lại, triệu chứng sẽ biểu hiện ít hơn, lâu hơn so với SARS. Như vậy người nhiễm SARS-CoV-2 thường đã lây cho người khác trước khi biết mình nhiễm.
Nói cách khác, SARS-CoV-2 có đủ sự lén lút để lan ra toàn thế giới.
Tai sao virus corona khong 'song' nhung rat kho tieu diet? hinh anh 2 imrs_NIH_AFP.jpg
SARS-CoV-2 trên bề mặt tế bào được nuôi trong phòng lab. Ảnh: Viện Y tế Quốc gia Mỹ/AFP.
Các loại virus là thủ phạm gây những dịch bệnh nguy hiểm nhất trong 100 năm trở lại đây: các dịch cúm 1918, 1957 và 1968, SARS, MERS và Ebola. Cũng như virus corona, các virus trên đều có nguồn gốc động vật, đều mã hóa vật chất di truyền trong các chuỗi ARN.
Bên ngoài cơ thể của vật chủ, các virus loại ARN như vậy thường “án binh bất động”. Chúng không có dấu hiệu của sự sống như trao đổi chất, di chuyển hay sinh sản. Và chúng có thể “yên vị” như vậy khá lâu.
SARS-CoV-2 thường bị xuống cấp trong vài phút hay vài giờ bên ngoài vật chủ, nhưng một số hạt phân tử có thể vẫn còn khả năng lây lan lâu hơn - chẳng hạn 24 giờ trên bề mặt bìa, hay thậm chí tới ba ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ.
Năm 2014, một virus đóng băng 30.000 năm, được các nhà khoa học phát hiện và hồi sinh lại, vẫn có thể lây cho một amíp (một dạng sự sống đơn bào).
Tai sao virus corona khong 'song' nhung rat kho tieu diet? hinh anh 3 imrs_Pittsburgh_AP.jpg
Các nhà nghiên cứu đang làm việc với các mẫu virus corona tại trung tâm nghiên cứu vắcxin của Đại học Pittsburgh. Ảnh: AP.

Bật - tắt giữa sống và không sống

Sau khi vào vật chủ, chúng dùng các protein bao quanh mình để “mở khóa” và xâm nhập các tế bào, rồi dùng các cơ chế nội bào để tập hợp các vật chất cần thiết rồi tiếp tục nhân đôi.
“Chúng như có khả năng bật - tắt giữa sống và không sống”, Gary Whittaker, giáo sư virus học tại Đại học Cornell, nói với Washington Post. Ông mô tả virus là thực thể lai giữa hóa chất và sinh học.
Các chủng virus corona như SARS-CoV-2 là một trong nhiều họ virus loại ARN. Trong số các loại virus loại ARN, virus corona có kích thước lớn hơn và có những cơ chế phức tạp hơn.
Một trong những cơ chế “ưu việt” đó bao gồm các protein “soát lỗi”, cho phép chính virus corona sửa lỗi trong quá trình nhân bản. Nhờ vậy, chúng sinh sôi nhanh hơn vi khuẩn thông thường, nhưng vẫn không nhân bản lỗi để rồi bị “chết yểu”.
Khả năng thích ứng nói chung giúp các mầm bệnh thích nghi môi trường mới, lây từ loài này sang loài khác. Các nhà khoa học tin rằng SARS bắt nguồn từ dơi và lây cho người thông qua con cày hương bán ở chợ. Virus SARS-CoV-2 hiện nay cũng có thể có nguồn gốc từ dơi, và được cho là lây cho người qua vật chủ trung gian.
Tai sao virus corona khong 'song' nhung rat kho tieu diet? hinh anh 4 4394_AFP.jpg
Các nhà nghiên cứu đang chạy đua tìm cách chế thuốc chữa và vắcxin phòng bệnh. Ảnh: AFP.

Chống SARS-CoV-2 với hệ miễn dịch và thuốc kháng virus

Khi vào trong tế bào, virus có thể nhân 10.000 bản của chính mình trong vòng vài giờ. Sau vài ngày, người nhiễm bệnh sẽ có hàng trăm triệu phân tử virus trong chỉ vài giọt máu.
Sự sinh sôi mạnh mẽ của virus khiến hệ miễn dịch phản công, tiết ra các hóa chất. Thân nhiệt tăng lên, gây triệu chứng sốt. Các “binh đoàn” bạch cầu kéo đến vùng nhiễm virus. Các phản ứng này khiến người bệnh bị ốm.
Andrew Pekosz, nhà virus học tại Đại học John Hopkins, so sánh virus như một tên cướp phá hoại.
Hắn vào nhà của bạn, ăn đồ ăn của bạn, dùng bàn ghế của bạn, rồi đẻ ra 10.000 đứa bé. “Phá tan tành ngôi nhà”, ông nói.
Tai sao virus corona khong 'song' nhung rat kho tieu diet? hinh anh 5 e5a47b96_682d_11ea_9de8_4adc9756b5c3_image_hires_171026_SCMP.jpg
Trận chiến giữa virus và hệ miễn dịch vô cùng tàn khốc, tế bào xung quanh bị “vạ lây”. Đồ họa: South China Morning Post.
Thật không may, con người chưa có nhiều cách chống lại những tên cướp này.
Hiện nay, đối với vi khuẩn, hầu hết thuốc kháng khuẩn hoạt động bằng cách can thiệp vào cơ chế của vi khuẩn. Chẳng hạn, penicillin, loại kháng sinh phổ biến nhất thế giới, sẽ “chặn đứng” loại phân tử mà vi khuẩn dùng làm tường tế bào.
Nhờ vậy mà penicillin có tác dụng thần kỳ khi được đưa ra mặt trận trong Thế chiến II, chống được hàng nghìn loại vi khuẩn. Hơn nữa, tế bào con người lại không dùng loại phân tử trên, nên chúng ta có thể dùng penicillin một cách an toàn.
Nhưng virus khác với vi khuẩn. Chúng không có cỗ máy, tế bào riêng, nên chúng hoạt động thông qua tế bào của con người. Protein của chúng cũng là protein của con người. Những thuốc có thể diệt virus cũng sẽ gây hại cho chúng ta.
Vì lý do này, các loại thuốc kháng virus thường phải “ngắm bắn” một cách rất cụ thể và chính xác, theo nhà virus học tại Đại học Stanford Karla Kirkegaard.
Thuốc kháng virus cần phải nhắm đúng các loại protein mà virus cần dùng trong quá trình sao chép. Những protein này là đặc thù ở mỗi loại virus, đồng nghĩa với việc thuốc chữa loại virus này khó dùng cho loại virus khác.
Tệ hơn, vì virus tiến hóa khá nhanh, nếu các nhà khoa học tìm được thuốc chữa, cũng khó có tác dụng lâu dài. Đó là lý do vì sao giới khoa học phải liên tục phát triển thuốc mới để điều trị virus HIV, và vì sao bệnh nhân phải uống một dạng “cocktail”, tức trộn lẫn một vài loại thuốc kháng virus, để cùng một lúc trị một vài biến thể virus.
“Y học hiện đại liên tục phải theo kịp các biến thể virus”, bà Kirkegaard nói.
Riêng SARS-CoV-2 vẫn là dấu hỏi. Mặc dù hành vi của chủng này khác với họ hàng của nó là SARS, dường như không có khác biệt giữa loại protein hình gai bao quanh ngoài SARS-CoV-2 và SARS.
Hiểu được những protein này là điều then chốt trong việc phát triển vắcxin, theo Alessandro Sette từ Viện Miễn dịch La Jolla ở California.
Nghiên cứu trước đây về SARS cho thấy protein bao quanh SARS là thứ khiến hệ miễn dịch phản ứng. Trong một nghiên cứu công bố tuần này, ông Sette cho thấy điều tương tự cũng đúng với SARS-CoV-2.
Tai sao virus corona khong 'song' nhung rat kho tieu diet? hinh anh 6 02_AP.jpeg
Một mẫu vắc-xin đang thử nghiệm chống virus corona mới được đưa trở lại tủ đông. Ảnh: AP.

SARS-CoV-2 càng giống SARS, giới khoa học càng lạc quan

Điều đó đem lại sự lạc quan, theo ông Sette, vì cho thấy phương hướng của các nhà khoa học hiện nay là nhắm vào protein để nghiên cứu vắcxin là đúng đắn. Cụ thể, nếu con người tiếp xúc với một phiên bản, cơ thể sẽ được “tập huấn” để nhận dạng, và phản ứng sớm hơn.
“Như vậy, virus corona chủng mới không phải quá ‘mới’”, ông Sette nói.
Một điểm lạc quan nữa là nếu SARS-CoV-2 không khác nhiều so với họ hàng SARS, thì có nghĩa SARS-CoV-2 không tiến hóa quá nhanh. Như vậy các nhà khoa học sẽ có thời gian phát triển vắcxin và bắt kịp.
Trong khi chờ tới lúc đó, vũ khí tốt nhất mà chúng ta có để chống lại virus corona là các biện pháp y tế cộng đồng, như xét nghiệm và duy trì khoảng cách xã hội, cùng với “người gác cổng” cần mẫn là chính hệ miễn dịch của chúng ta, theo bà Kirkegaard từ Đại học Stanford.
Tai sao virus corona khong 'song' nhung rat kho tieu diet? hinh anh 7 d14d241a_64e8_11ea_8e9f_2d196083a37c_1320x770_171026_AFP.jpg
Hiểu được cơ chế tàn phá của virus cũng như cơ chế phản kháng của cơ thể là thiết yếu trong việc chống virus. Ảnh: AFP.
Một số nhà khoa học còn lạc quan về một điều nữa: nằm ở chính loại virus này.
Dù có cơ chế hoạt động “thiên tài” và hiệu quả, thậm chí khả năng gây chết người như vậy, “virus không thực sự muốn giết chúng ta. (Nếu không gây tử vong) thì sẽ tốt hơn cho chúng, tốt hơn cho số lượng virus, khi chúng ta vẫn khỏe mạnh”, theo bà Kirkegaard.
Các chuyên gia cho rằng, từ góc độ tiến hóa, mục tiêu cuối cùng của virus là vừa lây lan rộng nhưng chỉ tác động nhẹ nhàng lên vật chủ - tức làm một “vị khách” không mời nhưng lịch sự, thay vì một tên cướp phá hoại. Lý do là nếu vật chủ tử vong nhiều như SARS hay Ebola, virus cũng sẽ không còn vật chủ để lan truyền tiếp.
Virus không gây tử vong mạnh mà chỉ có tác hại nhẹ là loại có thể tồn tại mãi mãi. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy loại virus gây Herpes môi (mụn rộp môi) đã tồn tại theo con người trong 6 triệu năm. “Đó là loại virus quá thành công”, bà Kirkegaard nói.
Nếu nhìn dưới góc độ tiến hóa như vậy, virus corona chủng mới SARS-CoV-2 dường như còn khá “ngây thơ” khi đang lây lan và làm nhiều người tử vong, mà không biết rằng có cách khác “nhẹ nhàng” hơn để tồn tại lâu dài, Washington Post bình luận.
Nhưng qua thời gian, ARN của virus sẽ dần thay đổi. Có thể đến một ngày, không xa, nó sẽ trở thành một trong những chủng cúm mùa thông thường, nổi lên mỗi năm, khiến chúng ta ho, hắt hơi, chứ không có gì nghiêm trọng hơn, theo Washington Post.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Tĩnh dạ tứ

Tĩnh dạ tứ
Lý Bạch
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
[Tác giả]
Lý Bạch, tự Thái Bạch, là người Tứ Xuyên triều Đường, quê gốc ở Cam Túc. Sinh vào năm Đại Túc đầu tiên thời Võ Hậu (năm 701 SCN), mất vào năm Bảo Ưng đầu tiên thời vua Đại Tông (năm 762 SCN), hưởng thọ 62 tuổi. Năm lên 5 tuổi theo cha chuyển đến sống ở làng Thanh Liên, huyện Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên, hiệu là Thanh Liên cư sĩ. Năm 15 tuổi bắt đầu tu Đạo thần tiên, năm 25 tuổi rời khỏi Tứ Xuyên, ngao du khắp nơi. Năm 42 tuổi đến Trường An, Hạ Tri Chương đọc thơ xong than ông là tiên mắc đọa xuống trần, rồi tiến cử cho Đường Huyền Tông. Sau ba năm được cung phụng, ông bị phe quyền quý của Dương Quý Phi gièm pha, phải rời kinh thành. Lý Bạch thiên tài siêu nhiên, thơ ca chứa đầy ý vị thần tiên phiêu dật, người đời gọi là “Thi Tiên”.
[Chú thích]
(1) sương (霜): hơi nước gần mặt đất ngưng tụ lại, khi nhiệt độ dưới điểm đóng băng (0 độ C) thì kết lại thành bông tuyết màu trắng.
(2) cử (举): ngẩng lên.
[Ngữ dịch]
Ánh trăng sáng chiếu phía trước giường,
Nghi là sương kết trên mặt đất.
Ngẩng đầu lên nhìn ánh trăng sáng,
Bất giác cúi đầu nhớ cố hương.
Dịch thơ:
Trăng sáng rọi đầu giường,
Dưới đất ngỡ là sương,
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
[Giai thoại bài thơ]
Người lữ khách xa quê hương nửa đêm tỉnh dậy, nhầm ánh trăng sáng rọi dưới đất là màn sương trắng. Lúc này mới hiểu rõ giữa trăng sáng và cố hương không có gì khác biệt, nhìn trăng nhớ quê hương, cúi đầu than thở, chỉ muốn trở về nhà! Đây là một bài thơ ngắn tuyệt đẹp thiên cổ, ngôn ngữ thiển bạch mà thần vận siêu phàm, tựa như tuyệt phẩm của Thần, vì thế Hạ Tri Chương mới than Lý Bạch là thần tiên giáng trần.
Lý Bạch cả đời tu Đạo, năm 15 tuổi bắt đầu tìm Tiên cầu Đạo, do đó tư tưởng Đạo gia có ảnh hưởng rất lớn đối với ông. Đạo gia đề cao chữ “Chân”, Lý Bạch thuần chân tự nhiên, tính cách siêu phàm thoát tục cũng biểu hiện trong thơ của ông. Những bài thơ về thiên nhiên thuần tịnh, với nhân tâm phức tạp khác nhau, đã xúc động chỗ sâu thẳm nhất trong sinh mệnh con người, khiến người ta nảy sinh tâm muốn phản bổn quy chân. Chẳng trách ai ai cũng cảm động trước những bài thơ lưu danh thiên cổ của ông.

Tìm hiểu sức đề kháng của cơ thể để bảo vệ bản thân trong mùa dịch COVID-19


Tìm hiểu sức đề kháng của cơ thể để bảo vệ bản thân trong mùa dịch COVID-19
 
Vì sao có người tiếp xúc với nguồn bệnh nhưng không nhiễm? Trong khi thế giới phải đương đầu với dịch COVID-19 mà chưa có thuốc điều trị, thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm hiểu về sức đề kháng và nâng cao khả năng tự bảo vệ của cơ thể.
Bản thân cơ thể con người đã có khả năng phòng và chữa bệnh. Đây là một trong những điều kỳ diệu nhất của tự nhiên. Bởi bệnh tật luôn là “nỗi ám ảnh” thường trực đối với con người, do vậy hãy dành thời gian để hiểu rõ hơn về hàng rào bảo vệ mà tạo hóa đã cung cấp cho chúng ta.
Từ “miễn dịch” xuất phát từ tiếng Latin “immunitas”. Miễn dịch được định nghĩa là sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh khác nhau. Khi nó hoạt động hiệu quả, hệ thống miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh, như virus, vi khuẩn, nấm mốc và ký sinh trùng.
Miễn dịch học là ngành khoa học tìm hiểu thành phần và chức năng của hệ miễn dịch. Môn học này xuất phát từ những nghiên cứu y dược ban đầu về nguyên nhân gây miễn nhiễm đối với bệnh tật.
Miễn dịch được đề cập đến sớm nhất là trong trận đại dịch ở Athens, Hy Lạp vào năm 430 TCN. Nhà y học Thucydides phát hiện: Những người đã hồi phục từ đợt dịch bệnh trước có thể tiếp xúc người mang bệnh mà không bị tái nhiễm.
Hệ thống miễn dịch bao gồm tập hợp các tế bào và các cơ quan (như Amidan cổ họng, hệ thống tiêu hóa, tủy xương, da…) cùng hợp tác để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân bên ngoài.
Các cơ quan miễn dịch được phân bố khắp cơ thể; cùng với các bộ phận khác như dây thần kinh, tim, hệ thống cơ bắp và xương và đường tiêu hóa; để đảm bảo cơ thể hoạt động như một khối thống nhất.
Chức năng của hệ thống miễn dịch dựa trên một mạng lưới thông tin phức tạp. Khi các tế bào miễn dịch tiếp xúc với những vật lạ từ bên ngoài, chúng sản xuất các chất hóa học khác nhau. Những chất này cho phép các tế bào điều chỉnh tốc độ tăng trưởng và trạng thái của chúng, huy động các tế bào khác tới các khu vực bị ảnh hưởng của cơ thể.
Hệ thống miễn dịch có thể chống lại sự tấn công của các nhân tố sinh học bên ngoài như vi trùng, virus (siêu vi trùng), ký sinh trùng, chất có hại cho cơ thể. Không những thế, nó còn phải thường xuyên chống lại sự xuất hiện các tế bào, chất sinh học lạ xuất hiện trong cơ thể.
Hệ thống này cũng có khả năng bảo vệ, chống lại chất gây dị ứng, tế bào ung thư. Hệ miễn dịch hoạt động rất phức tạp, với vai trò chính là duy trì sự cân bằng của môi trường bên trong của cơ thể và bảo đảm chống lại các tác nhân có hại cả bên trong và bên ngoài.
Hệ miễn dịch gồm tập hợp các tế bào và các cơ quan (như Amidan cổ họng, hệ thống tiêu hóa, tủy xương, da…) được phân bố khắp cơ thể để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Nhiều người có thể không mắc một số bệnh nào đó mặc dù sống trong môi trường có nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh nhờ khả năng miễn dịch tốt. Có thể hiểu một cách đơn giản, cơ thể được bảo vệ bằng hệ thống “hàng rào phòng thủ” dạng tầng có tính tăng dần từ cấp độ tế bào, mô tới các bộ phận.
Đầu tiên, nếu các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn) xâm nhập sẽ phải vượt qua “lớp phòng thủ đầu tiên” là các rào chắn vật lý như các hốc tự nhiên (mũi, miệng, mắt và da).
Nếu virus, vi khuẩn xâm nhập được qua hàng rào này thì hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ cung cấp một “lớp lá chắn” tiếp theo nhưng nó không đặc hiệu tối đa. Khả năng này tùy từng cá thể mỗi người.
Nếu như tác nhân gây bệnh tiếp tục vượt qua được hàng rào đáp ứng bẩm sinh thì chúng sẽ gặp hàng rào bảo vệ thứ 3, đó là hệ miễn dịch thích ứng và cũng là lớp phòng thủ cuối cùng của hệ miễn dịch của cơ thể. Tại đây, hệ miễn dịch điều chỉnh đáp ứng đấu tranh trong thời gian nhiễm trùng, tạo ra các phản ứng đặc hiệu đối với tác nhân gây bệnh.
Hệ miễn dịch của con người có khả năng ghi nhớ và nhận biết một tác nhân gây bệnh đã bị loại trừ. Nhờ đó mà nó có khả năng tấn công nhanh và mạnh hơn nếu gặp lại tác nhân gây bệnh đó. Hệ miễn dịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống nhiễm bệnh, vì vậy để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của virus, chúng ta cần tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Nếu hệ thống miễn dịch bị lỗi hoặc suy yếu, cơ thể nhạy cảm hơn với các bệnh khác nhau và phục hồi vết thương chậm. Miễn dịch suy yếu có một số biểu hiện như: Cảm lạnh thường xuyên, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, cúm, dị ứng, viêm khớp, mệt mỏi hoặc ung thư.
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo là tăng cường miễn dịch nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học chứng minh các loại thuốc này thực sự có hiệu quả giúp tăng sức đề kháng của cơ thể. Thay vào đó, khoa học đã chứng minh những thói quen lành mạnh có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch cơ thể, cụ thể như sau:
Sống hạnh phúc: Một số nghiên cứu cho thấy mức protein trong hệ thống miễn dịch, gọi là immunoglobulin A (IgA), sẽ tăng cao hơn ở người trưởng thành có cuộc sống hạnh phúc.
Kiểm soát căng thẳng: Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Căng thẳng trong một thời gian dài khiến con người dễ mắc các bệnh từ thông thường cho đến nghiêm trọng, bao gồm tim mạch và tăng huyết áp. Thực hành dưỡng sinh, khí công hoặc thiền chính niệm là cách để giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ăn uống lành mạnh: Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Bên cạnh rau củ và trái cây giàu vitamin, tỏi và một số loại nấm cũng có công dụng kháng sinh, tăng cường sức đề kháng.
Ngủ đủ giấc: Ngủ giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu. Thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn. Một giấc ngủ sâu và đủ được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người.
Không sử dụng rượu bia và chất kích thích: Sử dụng rượu bia và chất kích thích sẽ gây ức chế chức năng của các tế bào bạch cầu, làm giảm sức đề kháng và suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
Tập thể dục: Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ví dụ như khí công, đi bộ, cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

BÁCH BỘ

Bách bộ còn được gọi là dây ba mươi, củ rận trâu, dây dẹt ác… Dược liệu này mang trong mình tính bình, vị ngọt, đắng, qui vào kinh phế nên thường được sử dụng để điều trị ho, lao phổi. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng kháng khuẩn, tiêu diệt ký sinh trùng và khắc phục một số bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
Bách bộ
Thông tin cơ bản về tính vị, thành phần hóa học, tác dụng dược lý và những bài thuốc từ Bách bộ

Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Củ rận trâu, dây ba mươi, sam síp lạc (Tày), dây dẹt ác, mùi sấy dòi (Dao), pê chầu chàng (H’mông), bẳn tam síp (Thái), bách nãi, bà phụ thảo, mang bách bộ, bách bộ thảo, thấu dược, bà luật hương, cửu trùng căn, cửu thập cửu điều căn…
Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour
Thuộc họ: Bách bộ (danh pháp khoa học: Stemonaceae)

Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Bách bộ là một loại cây leo, thân cây nhỏ và nhẵn. Dược liệu thường có chiều dài từ 6 – 8m. Lá mộc so le hoặc mọc đối, có hình dạng giống trái tim, đôi khi thuôn dài gân nổi rõ trên mặt lá. Gân phụ chạy dọc từ cuống lá đến ngọn lá, có 10 – 12 gân phụ. Hoa to, có màu đỏ, hoa mọc thành cụm ở nách lá. Mỗi hoa có 2 cánh đài với chiều dài khoảng 4cm, có 2 lá đài và có 4 nhị.
Quả dược liệu hình nang, dài khoảng 3,5cm. Quả chứa từ 2 – 8 hạt. Rễ củ thường có từ 10 – 30 củ, đôi khi có đến 100 củ. Củ có chiều dài từ 15 – 20cm, đường kính từ 1,5 – 2cm, Củ có vị ngọt, có màu trắng vàng. Hậu củ rất đắng.

Phân bố

Bách bộ mọc hoang ở khắp nơi. Tuy nhiên chúng thường phân bố nhiều tại những vùng đồng núi.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Rễ củ Bách bộ. Củ càng lâu năm càng có công dụng chữa bệnh cao.
Thu hái: Thu hái chủ yếu vào cuối mùa thu đến đầu mùa xuân năm sau trong thời gian chồi cây chưa hoạt động. Trước khi thu hoạch người bệnh cần cắt bỏ dây thân, nhổ bỏ hết lượng dây choai, đào toàn bộ củ dược liệu, sau đó mang đi rửa sạch và phơi khô.
Chế biến:
  • Đào lấy toàn bộ lượng củ già, mang về rửa sạch và cắt bỏ phần rễ hai đầu. Nhúng củ dược liệu qua nước sôi hoặc mang đun vừa chín. Để nguyên lượng củ nhỏ, củ lớn mang bổ đôi. Tẩm dược liệu với rượu, mang phơi nắng hoặc sấy khô (theo Bản Thảo Cương mục)
  • Dược liệu mang đi rửa sạch, ủ mềm rút lõi thái mỏng phơi khô, dùng sống dược liệu. Hoặc dùng chín, tẩm mật một đêm rồi sao vàng (theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
Bảo quản: Để dược liệu tại những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt.

Thành phần hóa học

Trong Bách bộ (rễ củ) chứa các alcaloid, chủ yếu là những hoạt chất có tên stemonin, oxytuberostemonin, stemin, stenin, tuberostemonin, isotuberostemonin, hypotuberostemonin; 0,83% lipid, 2,3% glucid, 9,0% protid, các acid hữu cơ (malic, suecinic, citric, formic…)…
Thành phần hóa học của Bách bộ
Thành phần hóa học của Bách bộ

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Tác dụng kháng vi trùng
Bách bộ có khả năng kháng khuẩn đối với các loại vi khuẩn gây bệnh, bao gồm: Neisseria meningitidis, Streptococus pneumoniae, Hemolytic streptococus và Staphylococus aureus.
Tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng
Lượng nước ngâm kiệt hoặc lượng dịch cồn của Bách bộ có khả năng tiêu diệt nhiều loại ký sinh trùng như: Muỗi, rệp, chấy rận, ấu trùng ruồi, bọ chét…
Tác dụng trong các bệnh truyền nhiễm
Dược liệu có khả năng tác động và tiêu diệt các bệnh truyền nhiễm như viêm họng, ho…
Tác động lên hệ hô hấp
Nước sắc của Bách bộ có tác dụng làm giảm các bệnh lý và những triệu chứng sau:
  • Làm giảm ho do kích ứng
  • Làm giảm ho do ức chế phản xạ ho
  • Làm giảm trung khu hô hấp của động vật.
Đối với việc kháng Histamin gây co giật, dược liệu có tác dụng giống như một Aminophylline. Tuy nhiên chúng hòa hoãn và kéo dài hơn.
Tác dụng trị ho
Thành phần Stemonin trong dược liệu có khả năng làm giảm tính hưng phấn tại trung tâm hô hấp của động vật, ức chế những phản xạ ho. Ngoài ra dược liệu còn có khả năng chữa bệnh lao hạch.
Tác dụng kháng khuẩn
Dược liệu có khả năng tiêu diệt vi khuẩn ở ruột già. Đồng thời kháng vi khuẩn của bệnh lỵ, phó thương hàn.

Theo y học cổ truyền

Bách bộ có tác dụng diệt rận, sát trùng, nhuận phế chỉ khái. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng chủ trị các chứng gồm: Bách nhật khái (ho gà), phế lao, thương phong khái thấu, chàm lở, chấy rận, giun kim, ho do hư lao.

Tính vị

Vị ngọt, không độc (theo Dược Tính Bản Thảo)
Tính hơi ôn (theo Danh Y Biệt Lục)
Vị đắng, không độc (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo)
Vị ngọt đắng, tính hơi ôn (theo Trung Dược học)
Vị ngọt đắng, tính hơi ôn (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Qui kinh

Qui vào kinh Phế.

Liều lượng và cách dùng

Liều lượng

Dùng 3 – 9 gram/ngày.

Cách dùng

Dùng trong: Sắc thuốc, phơi khô tán thành bột nhuyễn hoặc dùng cao lỏng để uống.
Dùng ngoài: Sắc lấy nước bôi ngoài để diệt ghẻ, chấy rận…
Liều lượng và cách dùng Bách bộ
Liều lượng và cách dùng Bách bộ

Bài thuốc

Những bài thuốc chữa bệnh từ Bách bộ gồm:
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị ho lâu năm: Dùng 20 gram rễ dược liệu rửa sạch với nước muối. Thái nhỏ dược liệu và cho vào cối giã nát, chắt lấy nước cốt. Cho dược liệu vào nồi sắc lại cho đến khi dẻo quánh. Mỗi lần uống 1 muỗng canh, uống 3 lần/ngày.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị ho dữ dội: Dùng rễ dược liệu rửa sạch với nước muối, cho vào rỗ và để ráo nước. Rễ nhỏ để nguyên, rễ lớn bổ đôi. Cho dược liệu vào một bình thủy tinh có nắp đậy, rót rượu đến khi ngập. Ngâm dược liệu trong 1 ngày. Mỗi ngày dùng 1 chén chia đều thành 3 lần. Hoặc dùng bách bộ và gừng tươi (cạo vỏ) rửa sạch, cho vào cối giã nát, chắt lấy nước. 2 vị bằng nhau, sắc uống 2 chén/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị nuốt phải đồng tiền: Dùng 160 gram rễ dược liệu sạch với nước muối, cho vào rỗ và để ráo nước. Rễ nhỏ để nguyên, rễ lớn bổ đôi. Cho dược liệu vào một bình thủy tinh có nắp đậy cùng với 750ml rượu trắng. Ngâm qua một đêm. Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 250ml.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị ho nhiều: Dùng cả dây lẫn rễ dược liệu rửa sạch với nước muối. Thái nhỏ dược liệu và cho vào cối giã nát, chắt lấy nước cốt. Trộn dược liệu với mật ong nguyên chất theo tỉ lệ 1:1. Cho dược liệu vào nồi và nấu thành cao. Ngâm nước nuốt từ từ 3 lần/ngày. Sử dụng trong 5 ngày.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị ho không dứt: Dùng rễ dược liệu rửa sạch với nước muối, để ráo. Hơ dược liệu trên lửa cho đến khô. Khi dùng lấy một ít dược liệu ngậm và nuốt nước.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị ho hàn cho trẻ nhỏ: Dùng rễ Bách bộ rửa sạch với nước muối, để ráo. Cho dược liệu vào chảo và thực hiện sao vàng. 30 gram ma hoàng khử mắt, rửa sạch, phơi khô. Tán bột cả hai dược liệu. Hạnh nhân bỏ vỏ, bỏ đầu nhọn, cho vào chảo và thực hiện sao vàng. Cho hạnh nhân vào nước thật sôi, vớt ra, tán thành bột. Trộn đều tất cả bột nguyên liệu, cho thêm mật ong nguyên chất vào cùng và nặng thành viên nhỏ bằng hạt bồ kết. Uống 23 viên/ngày với nước ấm.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị vàng da, phù cả cơ thể: Dùng rễ dược liệu mới đào về rửa sạch với nước muối. Thái nhỏ dược liệu và cho vào cối giã nát, chắt lấy nước cốt. Đắp dược liệu lên rốn. Dùng nửa tô xôi giã mềm dẻo đắp chồng lên dược liệu. Dùng gạc hoặc khăn bông sạch băng lại trong 12 ngày hoặc đến khi nhận thấy trong ruột có mùi hôi rượu thì tiểu được và hết phù.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị các loại côn trùng vào lỗ tai: Dùng rễ dược liệu rửa sạch với nước muối, để ráo. Cho dược liệu vào chảo sao vàng và nghiền nát. Trộn dược liệu với dầu mè và bôi trong lỗ tai.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị giun kim: Dùng rễ dược liệu tươi rửa sạch với nước muối, để ráo. Cho dược liệu vào nồi cùng với một ít nước, sắc kẹo và thụt vào hậu môn trong 1 tuần.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị giun đũa: Dùng 12 gram rễ dược liệu tươi rửa sạch với nước muối, để ráo. Cho dược liệu vào nồi cùng với 500ml nước. Sắc và uống vào mỗi buổi sáng lúc đói. Sử dụng liên tục trong 5 ngày.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị quần áo có rận, rệp, chí, bò chét: Dùng Bách bộ và Tần giao cho vào cối giã nát. Cho dược liệu vào lồng tre, xông khói lên hoặc nấu thành nước giặt.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị lao phổi có hang: Dùng 20 gram Bách bộ, 10 gram đơn bì, 10 gram hoàng cầm, 10 gram đào nhân rửa sạch với nước muối. Cho tất cả dược liệu vào nồi sắc cùng với 400ml nước cho đến khi lượng nước trong nồi đặc lại còn 60ml. Uống mỗi ngày 1 thang. Sử dụng liên tục từ 2 – 3 tháng.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị lao phổi: Dùng 12 gram rễ dược liệu rửa sạch với nước muối. Sắc và uống dược liệu cùng với 12 gram bột Bạch cập.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị ho gà: Dùng 1015 gram rễ dược liệu rửa sạch với nước muối. Sắc và uống dược liệu. Hoặc dùng 1220 gram được liệu sắc và uống với đường cát.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị mề đay: Dùng 29 gram bách bộ, 8 gram bằng sa, 8 gram hùng hoàng rửa sạch với nước muối. Sắc và rửa vùng da bệnh.
  • Bài thuốc từ Bách bộ điều trị viêm da mề đay, mẩn ngứa ngoài da, vẩy nến, muỗi cắn: Dùng rễ dược liệu rửa sạch với nước muối, để ráo. Thái nhỏ dược liệu và chà chát vào những vùng da bị bệnh sau khi vệ sinh da sạch sẽ.
  • Bài thuốc từ Bách bộ trị rận, chí, bồ chét: Dùng 120 gram dược liệu rửa sạch và ngâm với 1 lít cồn. Sau 24 giờ thoa ngoài da.
  • Bài thuốc từ Bách bộ diệt ruồi, bọ, dòi…: Dùng nước sắc dược liệu thêm ít đường. Ruồi ăn chết hết 60%, chết 100% bọ gậy.
Bài thuốc chữa bệnh từ Bách bộ
Những bài thuốc chữa bệnh từ Bách bộ

Lưu ý

  • Người tì vị hư yếu không nên dùng dược liệu
  • Cây Bách bộ có khả năng sát khuẩn, diệt ký sinh trùng và nhiều bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn. Tuy nhiên người bệnh không nên quá lạm dụng dược liệu vì sẽ gây ngộ độc. Để giải độc, người bệnh có thể dùng nước ép gừng tươi hoặc thêm một ít giấm ăn.