Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Đủ men mới không già trước tuổi


(Dân Việt) - Chuyên gia ngành di thể sau khi phân tích chi li cấu trúc của tế bào đã quả quyết là tế bào trong cơ thể con người thừa sức lội qua lội lại cả trăm năm trong bể khổ. Thế nhưng, không ít người bị già trước tuổi vì chế độ ăn phản khoa học.

Tế bào không lúc nào được ngơi nghỉ
Kẹt cho nhà khoa học nói ra cứ như nói… phét, vì tuổi thọ của con người ở khắp nơi trên địa cầu, tuy nói chung đã được cải thiện rất nhiều, nhưng thử hỏi mấy ai cầm cự cho trọn 100 năm?
 
Khó có hình ảnh nào rõ nét cho bằng tế bào trong cơ thể con người đang ngày đêm tất bật đỡ đòn. Không phút nào được ngơi nghỉ, kể cả trong lúc gia chủ đang hồn bướm mơ tiên, tế bào phải đối đầu liên tục với chất có tên là oxy hóa, với tập thể độc chất sản sinh từ tiến trình tiêu thụ dưỡng khí của cơ thể, với chất sinh ung thư chực chờ trong môi trường ô nhiễm, trong rượu bia, thuốc lá, phế phẩm công nghệ, hóa chất nông nghiệp, khói xăng dầu, hóa chất gia dụng… Tế bào vì thế khó tránh không bị xơ hóa, thậm chí biến thể ác tính thành tế bào ung thư!
Họa bao giờ cũng vô đơn chí. Tình trạng tổn thương tế bào bao giờ cũng gia tốc song song với tuổi đời khiến tế bào vừa mất nước vừa thiếu dưỡng chất cần thiết cho cấu trúc khỏe mạnh khi gia chủ bước vào tuổi trung niên, khi hội chứng mãn dục ở đàn ông hay hội chứng mãn kinh ở đàn bà không mời cũng đến. Với hai mặt giáp công vì vừa thiếu dưỡng chất, vừa thiếu dưỡng khí, tế bào nếu không lão hóa, thậm chí ngay khi gia chủ còn trẻ mới là chuyện lạ!
Nếu vì bệnh hoạn thì còn có nguyên nhân, đằng này tại sao ngay cả trong trường hợp không đau yếu tế bào vẫn “suy dinh dưỡng” một cách oan uổng? Một lý do ngược đời nữa là tế bào hầu như càng dễ lão hóa ở người dư ăn dư mặc. Chuyện nghe phức tạp nhưng lý do lại đơn giản! Tế bào muốn khỏe mạnh, muốn trẻ trung phải có đủ dưỡng chất, càng nhiều càng tốt, nhưng càng ít độc chất tích lũy càng hay. Tế bào muốn dung nạp dưỡng chất đồng thời loại bỏ độc chất cần có sự hiện diện của tập thể hoạt chất có tên là MEN (enzymes).
Cơ thể nào đủ MEN, cơ thể đó lâu già
MEN giữ vai trò xúc tác của vô số phản ứng sinh hóa và sinh vật lý trong cơ thể. Thiếu men thì cho dù có đủ dưỡng chất cũng gần bằng không vì một lượng lớn các hoạt chất cần thiết cho tiến trình phục hồi của cơ thể hoặc không được tiêu hóa và biến thể như mong muốn, hoặc tệ hơn nữa, trật đường biến dưỡng để rồi dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi cho sức khỏe.
Chưa xong! Thiếu men thì phản ứng trung hòa độc chất bị đình trệ. Nói cách khác, cơ thể nào đủ men, cơ thể đó lâu già! Éo le ở điểm cơ thể dù muốn hay không cũng bắt đầu thiếu men từ tuổi 40! Tiến độ thiếu hụt càng lúc càng nhanh đến độ khi bước vào tuổi thất tuần chỉ còn không đến 10% lượng men nếu so với lúc còn xuân xanh.
Chính vì thế mà tế bào mau lão hóa từ tuổi trung niên. Cũng do đó mà độc chất như cholesterol, acid uric, creatinin, urê… dễ tích luỹ khi gia chủ chuẩn bị về hưu. Đó cũng là lý do tại sao thầy thuốc thuộc trường phái “phòng bệnh hơn chữa bệnh” đã từ lâu đặt nặng giá trị vào liệu pháp bổ sung cho cơ thể các loại men dẫn xuất từ thực vật như phương án phòng bệnh toàn diện.
Tuy được tiếng có cuộc sống văn minh nhưng nếu phải trả giá bằng hình ảnh lụm khụm khi mới mấy mươi thì tuy có uổng nhưng không oan chút nào! Oan sao được khi nạn nhân thường khi chính là… thủ phạm!
Quan điểm đó hoàn toàn hợp lý vì hàng trăm công trình nghiên cứu ở Đức, Áo, Anh… trong lĩnh vực lão khoa, y khoa thể dục, bệnh tự miễn… đã cho thấy men sinh học chính là đáp án để tế bào đừng hụt hơi trong cuộc chạy đua chống tuổi già xồng xộc vào nhà dù không ai mời!
Cho dù có cao tuổi thì tế bào vẫn còn đường ăn thua nếu đừng thiếu men cần thiết cho trục thần kinh – nội tiết – biến dưỡng. Điều đáng tiếc là nhiều loại men sinh học có sẵn trong “tủ thuốc” ngoài vườn, trong trái thơm, trong đu đủ, mơ, chanh…, có thừa trong sữa chua, dưa muối… nhưng lại ít được sử dụng. Đáng tiếc vô cùng vì đó là các món ăn khó thiếu ở xứ mình. Có thiếu chỉ thiếu thông tin cho người muốn sống khỏe, sống trẻ, sống đẹp với mình, với đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét