Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Viêm họng hạt: Bệnh dai dẳng

Viêm họng hạt: Bệnh dai dẳng

Viêm họng hạt là một bệnh viêm nhiễm mạn tính thường gặp và chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành.
Tuy nhiên, bệnh viêm họng hạt vẫn có thể chữa khỏi bằng cách dùng thuốc đúng và cũng có thể phòng tránh để hạn chế hoặc không mắc phải.
Nguyên nhân của bệnh viêm họng hạt
Viêm họng cấp tính: Nguyên nhân của viêm họng cấp tính do virut, vi khuẩn hoặc vi nấm đóng vai trò chủ yếu. Thông thường lúc đầu là do nhiễm virut, virut sẽ tấn công niêm mạc họng, nhân lên ở đó và phá hủy tế bào niêm mạc họng, sau đó bị bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm. Viêm họng cấp gặp ở mọi lứa tuổi, triệu chứng rất rầm rộ. Viêm họng cấp tính nếu không được điều trị dứt điểm sẽ chuyển thành viêm họng mạn tính.
Viêm họng mạn tính: Đây là một bệnh thường gặp nhất, bệnh chủ yếu gặp ở người trưởng thành và người ta tổng kết thấy nam giới bị nhiều hơn nữ giới. Viêm họng mạn tính có 3 dạng chính: viêm họng mạn tính xuất tiết, viêm họng hạt mạn tính xơ teo và viêm họng mạn tính quá phát. Viêm họng mạn tính quá phát chính là viêm họng hạt. Viêm họng hạt là phản ứng của niêm mạc họng bị viêm nhiễm trường diễn mà vùng họng là nơi chứa rất nhiều lympho bào với nhiệm vụ diệt vi sinh vật. Khi bị viêm trường diễn thì các lympho bào này phải làm việc liên tục trong một thời gian dài và ngày càng to ra, trở thành các “hạt”. Viêm họng hạt thể hiện ở phía sau thành của họng là chủ yếu, ở đây có nhiều hạt với kích thước lớn, nhỏ khác nhau, có thể nhỏ như đầu đinh ghim nhưng cũng có thể to bằng hạt đậu, hạt ngô và đôi khi chúng nối tiếp với nhau. Các hạt này luôn luôn bị kích thích làm cho người bệnh rất khó chịu như nuốt vướng, đôi lúc có cảm giác như nuốt phải sợi tóc và ngứa họng lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày (trừ khi ngủ). Có khá nhiều nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi làm cho viêm họng hạt tái phát hoặc nặng thêm như viêm nhiễm các cơ quan lân cận như viêm mũi, viêm xoang làm cho các chất nhày, mủ từ các cơ quan này chảy xuống phía sau thành họng hoặc hít phải các chất độc hại có tính chất thường xuyên như bụi đường, bụi công nghiệp trong đó có các chất hóa học, chất hữu cơ và các chất độc hại khác hoặc nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc do trong gia đình có người nghiện thuốc phả ra. Hoặc cũng có thể do khói bụi trong sinh hoạt hàng ngày như khói bếp, khí các lò than…Ngoài ra ở một số người mắc một số bệnh như trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh dị ứng…cũng có thể làm cho bệnh viêm họng hạt nặng thêm.
Viêm họng có 2 loại: viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính. Viêm họng cấp tính có thể là viêm họng đỏ cấp tính hoặc viêm họng giả mạc hoặc viêm họng loét hoặc viêm họng với 3 đặc tính kết hợp. Thông thường viêm họng đỏ cấp tính chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 90%), viêm họng loét chiếm tỷ lệ thấp hơn (khoảng 5%) và viêm họng giả mạc chiếm tỷ lệ thấp nhất (khoảng 2-5%).Hình ảnh viêm họng hạt.
Triệu chứng của viêm họng hạt
Nói chung viêm họng hạt triệu chứng rất nghèo nàn, không sốt. Người bệnh thường có cảm giác ngứa họng, vướng trong họng cho nên hay khạc, nhổ và mỗi lần khạc là mỗi lần cảm giác ngứa họng lại giảm đi. Một số người bệnh đôi khi cảm thấy họng bị khô, rát rất khó chịu. Việc điều trị viêm họng hạt cũng còn gặp khó khăn. Việc điều trị chỉ bằng đốt các hạt bởi hoá chất hay đốt điện thì rất khó giải quyết dứt điểm viêm họng hạt được. Lý do khó thành công bởi vì mỗi lần đốt chỉ được một số hạt to và mỗi lần đốt như vậy lại kích thích vùng niêm mạc xung quanh đó cũng như các hạt nằm trên vùng niêm mạc đó có thể phát triển nhanh hơn. Nếu chỉ đốt hạt đơn thuần mà không điều trị hiện tượng viêm nhiễm thì khó có thể khỏi bệnh được, bệnh lại tái phát và nhiều khi còn nặng hơn. Vì vậy để điều trị viêm họng hạt có hiệu quả cao người ta khuyên cần loại bỏ hiện tượng viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc do vi nấm gây ra. Muốn làm được điều đó rất cần xác định viêm họng hạt do vi khuẩn hay vi nấm gây ra. Để làm được điều đó thì cần nuôi cấy, phân lập được vi khuẩn hoặc vi nấm và làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh thích hợp cho điều trị tiêu diệt mầm bệnh là lý tưởng nhất. Bên cạnh đó cần khám mũi, xoang xem có bị viêm nhiễm hay không, nếu có phải điều trị kết hợp lúc đó mới hy vọng điều trị viêm họng hạt có kết quả.
Viêm họng hạt: Bệnh dai dẳng, Sức khỏe đời sống, suc khoe, viem hong hat, nhiem khuan, man tinh, dau hong
Nên làm gì để phòng viêm họng hạt?
Họng là nơi giao lưu giữa đường ăn uống và đường thở vì vậy muốn phòng viêm họng hạt thì trước hết phải làm sao để không viêm họng. Vì vậy cần vệ sinh đường hô hấp trên hàng ngày thật tốt và thường xuyên như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Đối với trẻ em cũng cần được vệ sinh họng miệng ngay từ lúc còn bé để không mắc bệnh viêm VA, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang. Bất kỳ lứa tuổi nào khi đã mắc bệnh đường hô hấp trên thì cần được điều trị dứt điểm ngay từ lúc mắc bệnh lần đầu không để bệnh trở thành mạn tính. Hậu quả của viêm họng cấp là gây nên viêm họng hạt mà khi đã viêm họng hạt sẽ khó khăn trong việc điều trị.Thông thường bệnh thuộc đường hô hấp trên có liên quan mật thiết với nhau vì vậy cần được khám một cách toàn diện khi nghi có bệnh ở bất kỳ vị trí nào trên đường hô hấp trên. Để tránh hít phải khí độc hại trong nhà máy, hầm lò, phòng thí nghiệm có hoá chất cần có bảo hộ lao động thật tốt như đeo khẩu trang. Vệ sinh môi trường tốt là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng bệnh viêm họng nói chung và viêm họng hạt nói riêng. Không nên hút thuốc vì hút thuốc ngoài việc gây viêm họng còn có nguy cơ gây nhiều bệnh khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét